Ngày càng có nhiều tác phẩm ngợi ca “Đất và người Bình Dương”
(BDO) Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật (VH-NT) của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Hội VH-NT tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác VH-NT với chủ đề “Đất và người Bình Dương”. Trải qua 6 lần tổ chức, ngày càng thu hút nhiều tác giả tham gia với nhiều tác phẩm chất lượng cao.
Các tác giả chuyên ngành văn học đoạt giải tại cuộc thi sáng tác VH-NT với chủ đề “Đất và người Bình Dương” lần VI - năm 2022
Vững vàng sáng tạo
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong 2 năm qua (2020 và 2021), Hội VH-NT tỉnh không tổ chức lễ tổng kết cuộc thi. Hội VH-NT tỉnh đã thông báo và phát giải thưởng cuộc thi đến từng tác giả. Tinh thần sáng tác của các văn nghệ sĩ vẫn rất hăng say, góp thêm nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, góp phần định hướng, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng an toàn và phồn vinh hơn.
Năm 2020, Ban Tổ chức đã tuyển chọn và trao giải cho 32 tác phẩm. Năm 2021, cuộc thi có 47 tác giả tham gia với 143 tác phẩm ở 3 thể loại: Văn xuôi, thơ và âm nhạc. Kết quả, Ban Tổ chức đã tuyển chọn và trao giải cho 25 tác phẩm. Và năm 2022, 66 tác giả đã tham gia với 183 tác phẩm. Ban Tổ chức đã quyết định trao 44 giải thưởng cho các tác giả các bộ môn: Văn xuôi, thơ, âm nhạc và sân khấu.
Đa số các tác giả là hội viên Hội VH-NT tỉnh và các tác giả không chuyên đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương, tham gia ở thể loại văn xuôi, thơ, âm nhạc, sân khấu. Các tác phẩm dự thi hầu hết đều đề cập vùng đất và con người Bình Dương. Bằng vốn sống và sự trau dồi, tìm tòi trong nghề nghiệp cùng sự gắn bó với thực tế cuộc sống của các tác giả, nội dung các tác phẩm đều bám sát hơi thở của cuộc sống đương đại; thể hiện tính nhân văn của con người trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay.
Với các tác giả, cuộc thi là sân chơi để bản thân góp thêm nhiều tác phẩm mới phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức VH-NT các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Còn với Ban Tổ chức, thông qua cuộc thi nhằm phát hiện thêm tài năng mới trong lĩnh vực sáng tác VH-NT ở Bình Dương, bổ sung cho nguồn nhân lực sáng tác VH-NT hiện có ở tỉnh nhà.
Thấm đẫm tình đất, tình người
Cuộc thi năm nay có số lượng tác phẩm dự thi gia tăng và chất lượng được nâng cao hơn đã khẳng định được sức hút của sân chơi ý nghĩa này.
Theo nghệ nhân Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, các tác phẩm dự thi đã nói được sự phát triển đi lên của Bình Dương qua các giai đoạn. Và đến ngày nay, chúng ta có cây cao, quả ngọt là nhờ sự phấn đấu đi lên của bao thế hệ con người sinh ra và gắn bó với Bình Dương. Nhiều tác phẩm gây ấn tượng bởi cách kể chuyện mộc mạc, các nhân vật mang hơi thở cuộc sống, có cá tính nhưng vẫn biết gia giảm chi tiết hợp lý. Trong khi đó, truyện ngắn là một thể loại khó, nó đòi hỏi vốn sống, bút pháp, nhưng các tác phẩm tham gia vẫn đáp ứng phần nào chủ đề cuộc thi.
Ở thể loại thơ, có 89 bài thơ dự thi của 20 tác giả. Tuy số lượng không nhiều so với các thể loại khác, nhưng cũng đã góp phần làm nên gương mặt thơ của Bình Dương. Theo nhà thơ Trần Thị Thắng, nguyên Trưởng ban Thư ký Báo Văn nghệ, nguyên Phó ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng Thẩm định của cuộc thi, Bình Dương cũng như TP.Hồ Chí Minh vừa trải qua trận dịch Covid-19 nặng nề, để lại mất mát không thể nào quên. Một số bài thơ như “Tiếng gọi trái tim”, “Tiễn đưa”… chia sẻ những đau thương đó. Điều đó cũng thể hiện tính nhân văn trong tâm hồn người Bình Dương. Sự đùm bọc, chia sẻ áo cơm trong hoạn nạn làm nên phẩm giá cao cả của mảnh đất này. Chính vì thế, nhiều người đã coi Bình Dương là quê hương thứ hai, dù họ sinh ra ở Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận hay đến từ các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Cà Mau, Long An…
“Tuy hầu hết tác phẩm tham gia cuộc thi đều thể hiện ở khía cạnh bề mặt, chưa sâu, chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho một cuộc tranh tài, nhưng được thể hiện theo nhiều chiều cảm nhận với phong cách đa dạng, phong phú. Trong thời kỳ hội nhập, đã có những chuyển biến trong sự vận động của xã hội, của nền kinh tế thị trường, thì rất cần đến những tác phẩm viết về đời sống với những va đập, đổi thay”, nghệ nhân Ngô Phước Chánh nói thêm.
"Cuộc thi là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để anh chị em văn nghệ sĩ không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để sáng tạo ra nhiều công trình, tác phẩm VH-NT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và thưởng thức VH-NT của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Thông qua kết quả cuộc thi, các tác giả sẽ tích cực hơn trong sáng tác với nội dung ngợi ca quê hương, thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh của Bình Dương trong quá trình phát triển, góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, giàu đẹp". (Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh) |
THỤC VĂN