Ngày 8-3, chồng “nổi da gà”
Cứ nghĩ đến 8 - 3 là chồng lại sởn cả da gà. Dù chỉ một ngày thôi, nhưng với chồng, cái ngày ấy lại dài khủng khiếp.
Mới bắt đầu tháng Ba, vợ đã “bóng gió”: “Chà, năm nay bố Bi định làm gì cho mẹ nào? Thiết thực nhất là bố đảm đương việc nhà nhỉ? Mẹ thích như thế”. Có nghĩa là, trước, trong và sau 8 - 3, chồng phải “đổi vai” cho vợ, đảm đương hết công việc nội trợ trong nhà. Chồng nhăn nhó định từ chối, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy vợ vất vả cả năm trời, chồng đành chuyển giọng tươi cười: “Mẹ Bi cứ yên tâm ăn chơi. Bố sẽ đảm đương vai trò nội tướng trong vòng mấy ngày”.
Thế là hết những chuỗi ngày được ăn ngon, ngủ yên. Trước 8 - 3 một ngày, cứ đúng 5h30 sáng, vợ lại đánh đôm đốp vào người chồng: “Anh ơi! Dậy chuẩn bị bữa sáng đi”. Trời thì lạnh, vợ được nằm trong chăn ấm nhưng chồng lại phải dậy chuẩn bị bữa sáng. Đánh vật một hồi với món trứng ốp la, kết quả là chồng đã làm cháy chảo 3 lần, trứng thì chỗ đen, chỗ vàng. Vợ lắc đầu: “Đúng là lấy phải chồng vụng”.
Thấy vợ chê, chồng đã khấp khởi mừng thầm, vì cứ nghĩ vợ sẽ thấy “ngứa mắt” mà lao vào làm dùm cho chồng. Nhưng vợ vẫn cứ nhởn nhơ, vợ bảo: “Mấy khi được chồng nấu cho ăn, dù dở thế nào cũng cố mà tận hưởng”. Chồng thì mệt phờ người ra, đến cơ quan thì mắt nhắm, mắt mở. Giờ chồng mới thấy, dù chỉ được ngủ nướng vài chục phút thôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nghĩ đến đây, chồng chợt thấy mình thật vô tâm, bởi năm này qua năm khác, lúc chồng đang yên giấc, vợ đã phải dậy lọ mọ nấu bữa sáng, chuẩn bị áo quần cho con đi học mà chẳng kêu ca lấy một lời.
Điệp khúc: nấu ăn và dọn nhà
Đây là công việc mà chồng phải đảm đương trong ngày này. Năm nào cũng một công việc như thế, ấy vậy mà chồng chẳng thể làm tốt. Cứ bước vào bếp là mọi thứ lại rối tinh, rối mù lên. Vợ thấy chồng khổ sở, đã lấy giấy ghi lại cách chế biến từng món cụ thể. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là mấy món thường ngày chồng thích ăn. Nhìn thì đơn giản thật, song khi chế biến, chồng lại quên ngược quên xuôi. Kết quả, chẳng thành món gì và chồng xung phong bỏ tiền túi ra bao hai mẹ con đi nhà hàng.
Nấu ăn thì còn phương kế để giải quyết, chứ dọn nhà thì đúng là chẳng biết giải quyết như thế nào. Nhà không rộng nhưng đồ đạc lại nhiều. Chồng đã dùng tư duy logic để cố gắng sắp xếp sao cho gọn gàng, nhưng dọn mãi cũng chẳng gọn được. Vợ đi dự tiệc với cơ quan, đến tối mới về. Chồng đón cu Bi rồi hai cha con cùng dọn nhà. Thằng “quỷ con” chẳng chịu giúp bố, bố dọn phòng khách, nó lại xả rác ở phòng ngủ, đồ chơi bạ đâu vứt đấy, tung tóe khắp nhà. Nhà chỉ có hai bố con mà cứ oang oang. Nghĩ lại mới thấy, những khi vợ mắng con cũng có lý do của nó, chứ không vô lý như chồng đã từng nghĩ.
Mấy ngày liên tục chồng chẳng đi nhậu nhẹt gì, cung cúc nghe lời vợ về nhà nấu ăn, dọn nhà. “Kiếp nạn” 8 - 3 sao mà dài dằng dặc. Cũng may là chẳng phải mình chồng bị như thế này, ở cơ quan, mấy ông bạn chí cốt của chồng cũng bị vợ giao cho “nhiệm vụ cao cả” vào ngày 8 - 3. Thế là chẳng ai bảo ai, anh em đều tự nguyện về nhà sau khi tan sở để làm vai trò của một ông chồng ngoan, biết thương vợ.
Nhưng quả thật, công việc nội trợ thật nặng nhọc. Mỗi lần làm xong việc nhà, chồng lại nằm ườn ra giường, ngủ như chết vì mệt. Lúc này mới thấy vợ giỏi, cả ngày đi làm nhưng việc nội trợ vẫn làm thoăn thoắt. Dù đôi khi mệt mỏi, vợ có gắt gỏng thật đấy, nhưng dù sao vợ vẫn rất tuyệt vời, bởi nếu cho chồng đảm đương công việc ấy suốt năm, chắc chồng chỉ có nước… chết vì mệt.
Thường ngày, vợ “keo kiệt” lắm. Chẳng bao giờ để chồng mua bất cứ thứ gì, vì vợ bảo chồng không am hiểu thị trường, dễ bị lừa. Nhưng đến ngày 8 - 3, chồng mua hoa hay dẫn hai mẹ con đi ăn tiệm, vợ đều cười tươi roi rói. Lúc ấy, chồng thấy mình thật “vĩ đại” trong mắt vợ. Vì dù gì, chồng cũng thấy mình không phải là kẻ bất tài, vẫn đủ khả năng lo cho vợ con, vẫn khiến vợ con được vui vẻ.
Quả thực, chồng biết ơn vợ nhiều lắm. Chồng chẳng thích 8 - 3 tí nào, vì chồng biết mình rất vụng về nếu phải “đổi vai” cho vợ, nhưng cũng nhờ những ngày như thế này, chồng mới hiểu được những nỗi vất vả của vợ, biết thông cảm hơn với vợ.
Theo Dân Trí