Ngày 5-3 các ngân hàng chính thức triển khai dịch vụ mở tài khoản online
(BDO) Ngày 5-3, dịch vụ mở tài khoản online đã được các ngân hàng chính thức áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa cho khách hàng.
Trước đó, dù Thông tư 16/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung hướng dẫn mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5-3-2021 nhưng nhiều ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai thí điểm cho mở tài khoản eKYC trong năm 2020. Vì vậy, hiện các ngân hàng đã thực hiện dịch vụ này như VietCapital, VPBank, TPBank, HDBank, MB…
Theo các ngân hàng, sau một thời gian đưa dịch vụ này vào hoạt động đã ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt, với lượng khách hàng mới tăng vọt, giao dịch qua kênh điện tử cũng tăng rõ rệt…
Theo Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giá trị giao dịch, ghi nợ qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không quá 100 triệu đồng/tháng/ khách hàng
Đáng chú ý, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức 100 triệu đồng/tháng/khách hàng đối với một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình video Call để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán bảo đảm hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp. Thứ hai, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân
Thanh Hồng