56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Ngày 3-5-1954: Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 tiến công làm chủ cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh

Thứ sáu, ngày 03/05/2024

(BDO) Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận Ðiện Biên Phủ, ngày 3-5-1954, Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 tiến công làm chủ cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh.


Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 – vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ.

Với sức tiến công như vũ bão của Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308, quân ta đã bao vây áp sát khu trung tâm Mường Thanh, cách khu sở chỉ huy của De Castries khoảng 300 mét, đẩy quân địch vào thế bị động, lúng túng. Cùng lúc đó, một đại đội của ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Tì, ngăn chặn địch thực hiện cuộc hành binh phá vây, mang mật danh Albatros (Hải Âu), chạy thoát sang Lào.

Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308 làm chủ cứ điểm 311B

Sau hai ngày (1 và 2/5/1954) tiến công như vũ bão, bộ đội ta đã làm chủ 4 cứ điểm của địch là: “C1, 505, 505A ở phía Đông và 311A ở phía Tây. Tại hướng Hồng Cúm, trận vây ép, đánh lấn khu C của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc chúng đã phải rút chạy khỏi khu C. Trận địa pháo địch ở Hồng Cúm bị tê liệt, không bắn trả được phát nào. Một kho đạn pháo của địch, với 3.000 viên đạn dự trữ, đã nổ tung. Kho lương thực, thực phẩm của địch bốc cháy.” (1)

“Đến đêm ngày 3/5/1954, Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308, tiếp tục tấn công như vũ bão vào cứ điểm 311B tại phía Tây. Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp, chiến hào chưa đào được vào thật sát lô cốt địch, và ngay từ phút đầu tiên toàn bộ trận địa hỏa lực yểm hộ cho bộ binh của ta đã bị pháo địch bắn phá, nhưng Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308, vẫn nhanh chóng làm chủ cứ điểm 311B tại phía Tây của địch trong vòng không đầy một giờ đồng hồ.

Tại khu Đông, trên dãy điểm cao ở phía ngoài, sau khi C1 đã mất, cụm Êlian cuối cùng án ngữ phía Đông của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ giống như một cái kiềng chỉ còn hai chân (chỉ còn A1 và C2). Trừ hai điểm cao A1 và C2, dãy đồi khu Đông đã biến thành trận địa hỏa lực của quân ta. Cụm Êlian có nguy cơ bị tiêu diệt. Mấy cứ điểm của địch còn lại dưới chân đồi, nằm nép mình bên bờ sông Nậm Rốm, run sợ chờ đợi sấm sét có thể giáng xuống đầu bất cứ lúc nào.

Trên cánh đồng bằng phẳng rộng lớn phía Tây do Đại đoàn 308 phụ trách, nơi trước đây, địch tưởng có thể dùng máy bay và pháo nặng khống chế dễ dàng, thì nay, sau khi hai cứ điểm 311A và 311B lọt vào tay bộ đội ta, những làn sóng của lớp lớp chiến hào đang tràn đến rất gần Sở chỉ huy của De Castries. Trận địa tiến công và bao vây của ta ngày càng thắt chặt. Vùng đất và vùng trời của địch từng bước bị quân ta thu hẹp thêm. Hơn 20 cứ điểm còn lại trong tung thâm* khu Mường Thanh bị uy hiếp mạnh. Có nơi, bộ đội ta chỉ còn cách khu Sở chỉ huy của De Castries khoảng 300 mét, đẩy quân địch vào thế bị động, lúng túng.

Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ của địch đã bị ép chặt thêm giữa hai gọng kìm thép. De Castries cùng với một vạn quân lính còn lại bắt đầu nghẹt thở trong cái "ô vuông cuối cùng". (2)

“Sau này qua các tù binh, ta biết thêm nhiều chi tiết về cảnh khốn quẫn của thực dân Pháp trong mấy ngày tiến công cuối cùng của quân ta. Chúng có vét quân mà cũng không còn lực lượng để phản kích. Pháo binh cũng hết đạn”. (3)

Quân địch dự định mở kế hoạch Albatros (Hải Âu) để tháo chạy


Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhận thấy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sắp bị tiêu diệt đến nơi, Navarre, tướng Cogny, Tư lệnh lực lượng Pháp tại Lào Crevơcơ và những sĩ quan thuộc lực lượng lục quân đã họp khẩn cấp tại Hà Nội, ngày 2/5/1954, để bàn cách cứu vãn tình thế ở Điện Biên Phủ. Chúng muốn mở một con đường máu để phá vòng vây, với cuộc hành binh phá vây mang mật danh Albatros (Hải Âu).

"Cuộc hành binh phá vây Albatros lần này chỉ dựa vào bản thân lực lượng đồn trú tại Điện Biên Phủ, với sự hỗ trợ tạo một hành lang của một lực lượng biệt kích địa phương nhỏ ở Lào. Tướng Navarre cho rằng cuộc hành binh có thể thực hiện trong hai hoặc ba ngày bằng sức mạnh, hoặc bí mật, khôn khéo, vì "Việt Minh không có phương tiện hậu cần ở Lào, phải 24 giờ sau mới có thể đối phó".

Vì vậy, chúng dự định thu thập lực lượng tổ chức thành ba cánh quân, thừa lúc ban đêm đột phá vòng vây của bộ đội ta, tháo chạy về phía Thượng Lào. Theo đó: cánh quân thứ nhất gồm các đơn vị dù rút theo hướng Đông Nam. Cánh quân thứ hai gồm các đơn vị lê dương và Bắc Phi rút theo hướng Nam. Cánh quân thứ ba gồm các đơn vị ở Hồng Cúm rút theo hướng Tây. Trong lúc đó, ở phía Thượng Lào, chúng sẽ cho một cánh quân tiến sang để đón. Riêng tướng De Castries và một số đơn vị thì được chỉ định ở lại với thương binh tại Điện Biên Phủ.

Quân ta đã theo dõi sát những ý định và sự chuẩn bị tháo chạy của quân địch khỏi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 3/5/1954, các đơn vị của quân ta có nhiệm vụ giữ các trận địa ở phía Tây đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ tất cả các con đường lớn và đường nhỏ đi từ Điện Biên Phủ ra biên giới Việt - Lào. Một đại đội của ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Tì, ngăn chặn địch thực hiện cuộc hành binh phá vây, mang mật danh Albatros (Hải Âu), chạy thoát sang Lào”. (4)
-------------------------------------------------------------
* tung thâm: thọc sâu (Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức, Từ điển - Nguyễn Lân); chiều sâu của trận địa (Đại Từ điển tiếng Việt)

[Nguồn: TTXVN;
(1) Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr 115;
(2) Điện Biên Phủ: Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 340, 341;
(3) Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 314;
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.107].

Theo TTXVN