Ngày 3-4-1975: Giải phóng tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng

Thứ sáu, ngày 03/04/2015

(BDO) Lâm Đồng và Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng) là hai tỉnh ở nam Tây Nguyên và tây nam Trung bộ. Khu ủy Khu VI và hai tỉnh ủy đã chuẩn bị sớm cho quân và dân trong tỉnh nhận rõ thời cơ, sẵn sàng tiến công và nổi dậy phối hợp với các chiến trường giải phóng địa phương. Kế hoạch chiến đấu đặc biệt coi trọng việc chiếm lĩnh và bảo vệ Viện nguyên tử Đà Lạt, Nha địa dư, các công sở, xí nghiệp, trường học…

 Ông Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc diễn văn trong cuộc mít tinh mừng Đà Lạt giải phóng (tháng 4-1975). Ảnh: T.LIỆU

Ngày 28-3, quân và dân Lâm Đồng (cũ) đồng loạt tiến công và nổi dậy, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Bảo Lộc và toàn tỉnh. Ở Tuyên Đức, quân địch hoang mang, bỏ chạy từ đêm 31-3 rạng ngày 1-4. Quân và dân trong tỉnh đã kịp thời tiến công và nổi dậy, giải phóng thành phố Đà Lạt và toàn tỉnh ngày 3-4. Với hai tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng được giải phóng, ta có thêm một bàn đạp tiến công mới từ hướng đông bắc, theo đường 20 tiến về Sài Gòn. Tỉnh ủy hai tỉnh huy động toàn bộ xe khách, xe vận tải tham gia vận chuyển lực lượng và đưa bản đồ thành phố Sài Gòn ở Nha địa dư Đà Lạt vào phục vụ chiến dịch.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một, cùng với nhiệm vụ đánh địch, ngành hậu cần của tỉnh tổ chức mạng lưới công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật với hai tuyến đường từ căn cứ phía sau xuống vùng trung tuyến với nhiều cung đoạn:

- Từ căn cứ bắc Bến Cát qua Sông Bé.

- Từ Suối Đôi (khu vực xã An Linh) xuống Sông Bé về nam sở cao su Phước Hòa.

Và từ trung tuyến ra tiền phương:

- Từ Bình Mỹ xuống Châu Thành, xuống tới bắc Lái Thiêu và Dĩ An.

- Từ nam Bình Cơ xuống Châu Thành.

Toàn bộ số vũ khí dự trữ (12.200kg, chủ yếu là đạn nhọn, hỏa lực B40, B41, đạn cối 60 - 82mm và một tấn mìn trái do xưởng Quân giới của tỉnh, huyện sản xuất) tại các kho ở bắc Bến Cát và Phú Giáo của tỉnh được vận chuyển về kho trạm bố trí tại Bình Mỹ. Từ tháng 12-1974 đến tháng 4-1975, tiểu ban Quân giới của tỉnh đã tiếp nhận của quân khu và Đoàn hậu cần 814 số vũ khí đạn dược các loại là 24.300kg. Một số cán bộ, chiến sĩ xưởng Quân giới của tỉnh được bổ sung cho các kho trạm tiếp nhận hàng “X” từ quân khu và Đoàn hậu cần 814 chuyển về đặt tại tuyến nam Bình Cơ. Các kho vũ khí từ bắc Bình Mỹ đến nam Bình Cơ đều có hầm bí mật cất giấu bảo quản vũ khí, đạn không bị ẩm ướt.

Để bảo đảm các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị và nguyên vật liệu cho quân giới, phòng Hậu cần - Kỹ thuật của tỉnh củng cố hai chốt thu mua tại Bến Đồn, nam Bình Cơ và mở thêm cửa khẩu tại Tân Hóa. Đồng thời thông qua cơ sở kinh tài khu vực, đầu tháng 4-1975, tỉnh huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị phía sau tổ chức vận chuyển vũ khí xuống Trao Trảo (xã Vĩnh Tân, huyện Châu Thành), trực tiếp cấp phát cho các đơn vị thọc sâu. Phong trào sưu tầm, thu lượm nguyên vật liệu, mìn trái lép của địch tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh và thu được nhiều kết quả. Sau khi giải phóng huyện Dầu Tiếng (13-3-1975), cùng với việc động viên thanh niên tòng quân tham gia lực lượng vũ trang, quân dân huyện Dầu Tiếng, bắc Bến Cát tổ chức sưu tầm, thu lượm vũ khí địch chuyển ra phía trước cho các đơn vị chiến đấu của tỉnh. Chỉ sau một tuần lễ vận động, Dầu Tiếng, bắc Bến Cát đã chuyển cho lực lượng vũ trang huyện nam Bến Cát hơn 300 đạn pháo, cối lép và một số đạn, trái khác, đã kịp thời cổ vũ, động viên quân dân các huyện, vùng giải phóng tích cực tham gia phục vụ kịp thời nhiệm vụ chiến đấu của các huyện phía trước.

Trong khi đó, xưởng Quân giới của tỉnh và các huyện Tân Uyên, nam Bến Cát... tiếp tục sưu tầm nguyên vật liệu, đẩy mạnh sản xuất vũ khí bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Từ tháng 12-1974 đến cuối tháng 4-1975, riêng xưởng Quân giới của tỉnh đã sản xuất được 1.200 quả lựu đạn ném, 1.300 thủ pháo hơi, 700 lựu đạn gài, 39 bộc phá sào, 70 trái mìn ĐH10... trong số hơn 2 tấn vũ khí các loại do xưởng sản xuất.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ những hạt giống đầu tiên trong những ngày đầu của phong trào đồng khởi năm 1960, ngành quân giới tỉnh Thủ Dầu Một đã phát triển thành lực lượng đông đảo được tổ chức từ tỉnh, huyện đến xã tạo thành thế trận toàn dân tham gia làm vũ khí tự tạo đánh giặc, góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. (Còn tiếp)

 HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)