Ngày 16-4-1975: Chiến thắng Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận
(BDO) Thị xã Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) nằm trên ngã ba đường số 1 và đường số 11 đi Đà Lạt, là một địa bàn quan trọng nối liền Trung bộ với nam Tây nguyên và miền Đông Nam bộ. Lực lượng địch ở đây có Lữ đoàn 2 dù, Sư đoàn 2 bộ binh (2 trung đoàn), Liên đoàn 31 biệt động quân và Sư đoàn 6 không quân. Từ đầu tháng 4-1975, theo kế hoạch phòng thủ của tướng Mỹ Uây-oen, quân ngụy đã dựa vào các điểm cao có lợi và sân bay Thành Sơn, thiết lập các cụm phòng ngự mạnh. Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng, Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy, trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng thủ Phan Rang.
Xe tăng và pháo của quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào sân
Ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 bộ binh (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 bộ binh (mặt trận Tây nguyên) được pháo binh chi viện nổ súng tiến công thị xã Phan Rang. Kết hợp đột phá, thọc sâu với vu hồi, bộ đội ta nhanh chóng phá vỡ cụm phòng ngự của địch ở phía bắc thị xã, áp sát sân bay Thành Sơn. Quân ngụy được hỏa lực không quân và pháo từ tàu biển bắn vào chi viện chống trả quyết liệt.
Phá vỡ “Lá chắn Phan Rang” của địch 5 giờ sáng ngày 16-4-1975, tất cả các cánh quân của Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 của ta tấn công hợp điểm vào trung tâm thị xã Phan Rang. Lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, Trung đoàn 101 đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Tư, Tỉnh trưởng Ninh Thuận. Lúc 10 giờ cùng ngày, Trung đoàn 25 làm chủ sân bay Thành Sơn, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, chỉ huy Sư đoàn 6 không quân ngụy. “Lá chắn Phan Rang” của địch bị phá vỡ. V.H (tổng hợp)
|
Để đập tan sự phản kháng của địch, nhanh chóng mở đường tiến vào Sài Gòn, một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 2 vừa hành quân tới Phan Rang được lệnh bước vào chiến đấu. Ngày 16-4, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) tổ chức thành mũi nhọn thọc sâu binh chủng hợp thành, xuất phát từ vị trí bàn đạp của Sư đoàn 3, tiến theo đường số 1 đánh thẳng vào thị xã. Dẫn đầu đội hình tiến công là Tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên 20 xe tăng và thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh hơi đi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85mm và cao xạ 37mm cơ động trong đội hình sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp vào các mục tiêu trên mặt đất và bắn máy bay địch. Lữ đoàn 164 pháo binh đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. Trước đòn tiến công mãnh liệt của bộ đội ta, quân địch hoảng loạn, không đủ sức chống cự. Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Một bộ phận lực lượng nhanh chóng tiến ra chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, bịt chặt đường rút chạy của địch ra hướng biển. Một bộ phận phát triển theo đường số 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lỵ Phú Quý, khóa chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía nam. Quân địch đã huy động hàng chục chiếc máy bay ném bom vào phía sau đội hình quân ta trên đường số 1; đồng thời đưa quân dù từ sân bay Thành Sơn ra phản kích. Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) và Sư đoàn 3 đã anh dũng đánh lui các đợt phản kích của địch, chiếm sân bay Thành Sơn (cách thị xã Phan Rang 10km). Toàn bộ quân địch ở Phan Rang gồm hơn một vạn tên bị tiêu diệt và tan rã. Hai tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang cùng nhiều sĩ quan, binh lính bị bắt. Bộ đội ta thu 36 máy bay, 37 khẩu pháo lớn.
Chiến thắng Phan Rang ghi tiếp một tiến bộ mới của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành trong hành tiến.
22 giờ ngày 16-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang. Đại tướng chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân và phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành những chiến thắng mới.
- Trên chiến trường tỉnh Thủ Dầu Một, từ đầu tháng 4-1975, địch điều chỉnh lực lượng hình thành hai tuyến phòng ngự, vừa ngăn chặn, vừa chi viện cho nhau:
- Tuyến ngoài, từ Bến Cát nối qua Phú Giáo (từ lộ 7 Chánh Lưu nối qua lộ 2 Tân Bình, lộ 14 và lộ 16 Bình Cơ, Bình Mỹ).
- Tuyến trong, gồm Tân Uyên, Châu Thành, Lái Thiêu, thị xã Thủ Dầu Một. Tuyến này địch bố trí lực lượng chủ lực gồm: Sư đoàn 5: ld/e9 đóng đồi 82 Bến Cát, ld/e8 ấp Lò Than; ld/e7 Lai Khê, ld/e8 và chi đoàn tăng đóng từ Chánh Lưu đến Cổng Xanh, 2d/e7 và 1 chi đoàn tăng đóng từ cầu sông Bé đến Phước Vĩnh; Biệt động quân gồm: Liên đoàn 33 bảo vệ quanh thị xã Thủ Dầu Một nối với Lái Thiêu; Địa phương gồm: d322 đóng cầu sông Bé đến Phú Giáo, d360: Tân Bình - Phước Hòa, d306: An Lợi - Chánh Lưu - Bình Cơ - Bình Mỹ, d321: Phú Chánh, Tân Hóa, Bình Chuẩn; d316: Khánh Vân - Bình Chánh - Tân Ba; d346: Ông Lình, Bà Nghĩa đến Tân Tịch; d373: Lạc An, đồi Bà Cẩm; d353: Mỹ Phước - Thới Hòa; d361 ba xã Tây Nam; d382 - Lái Thiêu...
Đến giữa tháng 4-1975, lực lượng địch trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 3 vạn tên, gồm: Lính chủ lực Sư đoàn 5 bộ binh, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 chiến đoàn thiết giáp, 10 tiểu đoàn bảo an cùng với lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự và hơn 50 khẩu pháo... được bố trí trên hơn 200 cứ điểm quân sự lớn nhỏ. Nhưng mọi cố gắng của địch lúc này chỉ là sự phòng ngự bị động, chống đỡ trong thế không thể cứu vãn.
HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)