Ngành y tế tỉnh: Tiếp tục vượt khó, vươn tầm
(BDO) Cách đây 69 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Bác căn dặn “Cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn; lương y phải như từ mẫu”. Trong suốt thời gian qua, lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế Bình Dương không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một năm nhiều đổi thay
Năm 2023 là một năm nối tiếp những khó khăn, thách thức sau nhiều tổn thất, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tăng trưởng cao và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong những thành tựu, kết quả chung đó, có sự đóng góp tích cực, sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế tỉnh nhà.
Bên cạnh việc tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh đã có những bước đổi mới, phát triển, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên như tỷ lệ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%, duy trì bền vững mức sinh thay thế. Đặc biệt, ngành đã hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh đến năm 2023, tầm nhìn 2050 và tham mưu HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết về chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo nhân viên y tế, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên. Công tác điều trị, dự phòng được quan tâm, chú trọng; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; cơ bản đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của nhân dân...
Để đáp ứng tốt những yêu cầu mới của công việc, đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học tập để làm chủ các công nghệ trong khám, chữa bệnh, phục vụ tốt người bệnh
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành y tế vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, các y, bác sĩ cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, giữ gìn y đức như lời dặn của Bác “Lương y phải như từ mẫu”; phát huy trí tuệ, tài năng, chuyên môn của mình. Ngành cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ gắn với việc thực hiện bài toán kinh tế chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập cho đội ngũ toàn ngành để giải quyết căn cơ, hiệu quả nhiệm vụ được giao trong bối cảnh hậu Covid-19, cộng với những khó khăn nội tại của ngành như hiện nay”.
Số hóa y tế để chăm sóc người dân tốt hơn
“Thời gian gần đây, chúng ta đều chứng kiến và trải nghiệm sự phát triển mạnh mẽ, liên tục của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Để phát huy vai trò của công nghệ thông tin, những cơ hội do kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách sáng suốt, tạo điều kiện, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Từ sự quan tâm, hỗ trợ này cùng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y tế tỉnh, sự hợp tác, giúp đỡ của các đơn vị sở, ngành, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân đã có bước phát triển, người dân, người bệnh đã được hưởng lợi”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ số hiện diện trên khắp mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, không một lĩnh vực nào đứng ngoài xu thế. Nắm bắt cơ hội này, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã và đang tập trung triển khai đồng bộ 3 chương trình y tế điện tử: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử; hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, phần mềm quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa. Theo đó, ngành đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số trong quy trình khám, chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Với mô hình này, bệnh viện góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, tránh tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế và công khai minh bạch trong thanh toán viện phí. Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, bà Dương Thị Mỏng ở phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một phải dậy thật sớm để chuẩn bị các giấy tờ và xếp hàng đăng ký số khám bệnh rất rườm rà, mất công. Gần đây, khi đến bệnh viện, bà Mỏng không cần phải xếp hàng nữa, thông tin khám bệnh của bà được lưu trên hệ thống, cứ thế bà đi khám bệnh mà không cần phải cầm các giấy tờ khác. Bà Mỏng cho biết: “Trước đây, khi đi khám bệnh tôi phải mất cả buổi sáng thì nay tôi chỉ tranh thủ đi 30 phút là về. Giấy tờ, thủ tục đơn giản, các y, bác sĩ, nhân viên hướng dẫn tận tình, giải thích rõ ràng cho người bệnh nên tôi rất hài lòng”.
Để đáp ứng tốt những yêu cầu mới của công việc, đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học tập để làm chủ các công nghệ trong khám, chữa bệnh, phục vụ tốt người bệnh. Điển hình như các thành tựu nổi bật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong 2 năm qua, như: Ghép cẳng bàn chân cho bệnh nhân bị đứt lìa bàn chân; chuyển ghép các ngón tay, ngón chân; phẫu thuật cắt bứu lớn ở vùng mặt, đầu, cổ; phẫu thuật nội soi cắt u đại tràng, u dạ dày toàn phần, u bàng quang hay u tiền liệt tuyến; đặt máy tạo nhịp, bít dù tim, can thiệp mạch vành. Gần đây nhất, PGS-TS - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã triển khai đơn vị đột quỵ của Khoa Nội thần kinh để tái thông mạch não bằng thuốc, cứu sống nhiều bệnh nhân bị đột quỵ.
KIM HÀ