Ngành y tế tỉnh: Thúc đẩy chuyển đổi số qua Đề án 06
(BDO) Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành y tế tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành. Qua 1 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đạt nhiều kết quả khả quan, tích cực, tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên
Liên thông các loại giấy tờ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công bố đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe. Việc triển khai liên thông kết quả khám sức khỏe của người lái xe lên cổng giám định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (phạm vi toàn quốc). Tỷ lệ liên thông giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng giám định BHXH đạt 100%. Tính đến ngày 20-12- 2023, toàn tỉnh đã liên thông 56.585 giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng giám định BHXH.
Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy chứng tử với mục đích thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng đã được ngành thực hiện đạt kết quả cao. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB có cấp giấy chứng sinh và giấy chứng tử thực hiện liên thông kết quả và đẩy lên cổng giám định BHYT. Tính đến cuối tháng 12-2023, tổng số giấy chứng sinh đã đưa lên cổng là 19.513 giấy, đạt tỷ lệ 98,8%; tổng số giấy báo tử đưa lên cổng là 299 giấy, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác KCB sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VNeID cũng được ngành y tế tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Theo số liệu báo cáo, các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã mua sắm tổng cộng 231 đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp để phục vụ công tác KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT, 177/177 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT. Sở Y tế thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc cơ sở KCB sử dụng thẻ CCCD trong KCB và báo cáo kết quả định kỳ theo quy định.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đã triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Kết quả, tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 40,6%, dự kiến trong năm 2024 đạt trên 60%. Riêng đối với mô hình KCB sử dụng sinh trắc học, KIOS tự phục vụ, đây là mô hình mới, được Cục C06 Bộ Công an đề xuất triển khai thí điểm tại Bình Dương. Nội dung này, Cục C06 Bộ Công an hỗ trợ tỉnh xây dựng giải pháp tích hợp, xác thực định danh. Sở Y tế chủ trì chọn đơn vị triển khai thí điểm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phối hợp, đôn đốc thực hiện.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình triển khai Đề án 06, ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều người dân chưa biết được tiện ích KCB BHYT bằng CCCD hoặc các ứng dụng trên điện thoại nên khi đi KCB vẫn mang chứng minh nhân dân, các giấy tờ có ảnh như bằng lái xe, thẻ người cao tuổi... Một số trường hợp xuất trình thẻ CCCD để KCB nhưng thẻ chưa tích hợp BHYT nên khi tra cứu không có thông tin. Thống kê tại các cơ sở y tế, số lượng thẻ CCCD chưa tích hợp thẻ BHYT khoảng từ 10 - 20% số bệnh nhân đến khám. Cổng tiếp nhận thông tin KCB BHYT không phân quyền nên các cơ sở KCB không thống kê được kết quả KCB bằng CCCD hàng ngày để Sở Y tế tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Hiện tại file excel mẫu trên phần mềm ASM của Bộ Công an chỉ cho tối đa 100 người/ file, trong khi mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hơn 1.300 trường hợp lưu trú. Vì vậy, để bảo đảm thuận tiện và đầy đủ dữ liệu lưu trú của người bệnh, bệnh viện đề xuất chỉnh sửa file excel mẫu để ghi nhận số lượng nhiều hơn. Hơn nữa, dữ liệu lưu trú được đẩy lên cổng không đầy đủ do bệnh viện chỉ thu thập được thông tin của người bệnh nhập viện có BHYT, còn các trường hợp khác như người bệnh không có BHYT, người nuôi bệnh, thân nhân bệnh nhân... thì bệnh viện không thể thu thập đầy đủ thông tin. Những yếu tố này cần được khắc phục để công tác KCB tại bệnh viện trong thời gian tới thuận tiện hơn cho người bệnh.
“Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia các nội dung trong Đề án 06 thuộc lĩnh vực y tế. Ngành sẽ thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
KIM HÀ