Ngành Y tế: Tập trung phòng chống ổ dịch rubella

Thứ năm, ngày 29/01/2015

(BDO)

Sau khi có kết quả xét nghiệm và phát hiện các ca bệnh rubella tại Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ WANEK ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, TX.Bến Cát, ngay lập tức ngành y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với sự tham dự của Viện Pasteur TP.HCM để triển khai kế hoạch xử lý ổ dịch tại công ty này.

Cuộc họp triển khai kế hoạch xử lý, dập tắt ổ dịch, phòng chống dịch rubella tại Sở Y tế Ảnh: H.THUẬN

Tình hình diễn biến dịch bệnh tại Công ty WANEK, ca bệnh sốt phát ban đầu tiên được ghi nhận vào ngày 2-1, khi bệnh nhân này xin nghỉ làm ở nhà do sốt. Từ đó đến ngày 23-1, toàn công ty có 184 người xin nghỉ ở nhà do bệnh, trong đó có 138 người đến khám tại phòng y tế của công ty. Các ngày tiếp theo sau ca bệnh đầu tiên đến nay, phòng y tế công ty thống kê các ca bệnh trên có các triệu chứng chủ yếu như: Sốt nhẹ và vừa, ho, sổ mũi, phát ban nhiều vị trí trên cơ thể (nốt ban thưa, nhỏ, màu đỏ tươi, da dày lên).

Sau khi nhận được thông tin tình hình bệnh tại Công ty WANEK, ngày 21-1, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát bệnh truyền nhiễm phối hợp với Trung tâm Y tế TX.Bến Cát đến làm việc tại đơn vị xảy ra ca bệnh vào các ngày tiếp theo. Ngoài việc nắm bắt tình hình chung các hoạt động và diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục giám sát, điều tra ca bệnh, ngành y tế cũng đã hướng dẫn cho công ty các biện pháp phát hiện ca bệnh và các biện pháp phòng tránh tiếp theo.

Tại cuộc họp ngày 27-1, Sở Y tế cho biết, tình hình diễn biến bệnh tại Công ty WANEK từ khi ghi nhận ca bệnh sốt phát ban đầu tiên vào ngày 2 đến ngày 27-1 là 151 ca. Với sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế TX.Bến Cát lấy 102 mẫu gửi viện xét nghiệm. Kết quả, ngày 22-1 lấy 29 mẫu, qua xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM có 20 mẫu dương tính với rubella. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, ở đây vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh xảy ra. “Phải nói rằng, công tác phát hiện, giám sát ổ dịch nơi đây được thực hiện rất tốt và vào cuộc ngay. Biện pháp đầu tiên là xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh. Lúc đầu, chúng tôi chỉ lo bệnh sởi, nhưng test thử 29 mẫu thì không có trường hợp nào là sởi cả, mà chỉ phát hiện rubella. Khi biết ngay đây là ổ dịch rubella, chúng tôi đã ứng xử kịp thời ngay bằng tất cả các biện pháp, vừa quản lý ca bệnh, vừa cách ly, vừa tổ chức tiêm phòng và giám sát chủ động”, PGS-TS Lân cho biết.

Sáng 28-1, công tác tiêm phòng cho cán bộ, công nhân lao động tại Công ty WANEK đã được ngành y tế tỉnh triển khai, với sự hỗ trợ từ Viện Pasteur TP.HCM. Nhân lực của ngành y tế được tăng cường từ Trung tâm Y tế TX.Bến Cát, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, với sự hỗ trợ của 3 cán bộ từ Viện Pasteur TP.HCM. Theo đó, có tất cả 10 bàn tiêm được bố trí tại nhiều khu vực trong công ty để tiến hành tiêm phòng cho mọi người. Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc tiêm phòng ở đây được bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư 12 của Bộ Y tế. Đây là ổ dịch khu trú tại công ty, cần phải được dập sớm tránh lây lan trong cộng đồng bằng biện pháp tiêm chủng. Do bệnh rubella chủ yếu lây qua đường hô hấp, nên việc bố trí bàn tiêm cũng được tính toán rất kỹ theo từng bộ phận làm việc trong Công ty WANEK, bởi điều này sẽ hạn chế được việc lây lan bệnh nếu tập trung đông người tại một chỗ.

Theo nhận định của PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đây là một ổ dịch khu trú tại Công ty WANEK và nơi cư trú của người bệnh, vì thế ngoài các biện pháp giám sát ca bệnh, cách ly, cần tổ chức ngay việc tiêm phòng cho toàn bộ cán bộ, công nhân lao động (trừ các trường hợp chống chỉ định) để dập dịch và hạn chế đến mức thấp nhất vi rút gây bệnh lây lan ra cộng đồng…

PGS-TS Phan Trọng Lân cho biết thêm, đây là công tác phòng chống dịch nên sẽ tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đối tượng nơi đây, bao gồm cả nam giới, chỉ trừ các trường hợp chống chỉ định. Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nhất, nên phải bảo đảm an toàn 100% cho đối tượng này. Tức là, trước lúc tiêm sẽ tư vấn, test thử thai để bảo đảm khi tiêm không ai đang mang thai và khi tiêm xong phải đợi sau 3 tháng mới được mang thai lại. Tình hình dịch hiện tại đang khu trú trong công ty, chưa thấy dữ liệu bùng phát trong cộng đồng, vì thế công tác cách ly cũng được PGS-TS Phan Trọng Lân đặc biệt lưu ý. Theo ông, cần tuân thủ cách ly người mắc bệnh trong vòng 7 ngày sau phát ban; người tiếp xúc với người bệnh không tiếp xúc, tụ tập nơi đông người trong vòng 21 ngày, đặc biệt không tiếp xúc với phụ nữ mang thai; trong công ty, cần giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 1,5m để bảo đảm an toàn và nên đeo khẩu trang.

PGS-TS Lân nhận định: “Đây là một ổ dịch khu trú trong công ty và nơi cư trú của người bệnh. 90% người mắc bệnh là công nhân, trong đó hơn 70% không tiêm vắc xin. Ngoài các biện pháp phòng chống dịch như: cách ly, theo dõi, giám sát và tiêm chủng, cần giám sát tiếp tục trong 60 ngày liên tiếp (gấp hơn 2 lần thời gian ủ bệnh). Mục tiêu của việc phòng chống dịch là để cắt đứt đường lây lan truyền, hạn chế thấp nhất vi rút lây lan ra các nơi khác”.

 

 HỒNG THUẬN