Ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh chuyển đổi số
(BDO) Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL). Thời gian qua, ngành VH,TT&DL đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực hoạt động, tạo tiền đề thuận lợi thúc đẩy CĐS của ngành thời gian tới.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào hoạt động app Du lịch Bình Dương giúp người dân và du khách tra cứu thông tin về du lịch Bình Dương một cách dễ dàng, thuận tiện
Tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và CĐS nói riêng đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành VH,TT&DL. Việc vận dụng và phát huy tốt cơ hội, nhận diện được những vấn đề khó khăn, thách thức vừa là nhiệm vụ, vừa là xu hướng và yêu cầu đặt ra cho ngành VH,TT&DL cần phải đẩy nhanh hơn nữa công tác CĐS, qua đó góp phần cùng các cấp, các ngành của tỉnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
“Trước xu hướng và yêu cầu nêu trên, ngành VHTT&DL xác định CĐS có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ hướng tới các mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ tốt chức năng quản lý nhà nước, tổ chức các hoạt động sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Trong đó, ngành sẽ thực hiện theo phương châm lấy chủ thể “người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, ông Hải nói.
Thực tế thời gian qua, ngành VH,TT&DL đã thực hiện CĐS trên một số lĩnh vực, trong đó ưu tiên CĐS phục vụ công tác cải cách hành chính. Để thực hiện, sở đã chỉ đạo bộ phận một cửa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được thuận lợi, đạt hiệu quả. Theo đó, hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của sở luôn đạt tỷ lệ 100%. Cùng với việc thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác cải cách hành chính, trong 4 năm liên tiếp (2018-2021), Sở VH,TT&DL đều nằm trong Top 3 các sở, ngành đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Sở thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu trên Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) 12 nhóm chỉ tiêu pháp lệnh của UBND tỉnh giao cho ngành trên các lĩnh vực; qua đó phục vụ việc tiếp cận thông tin của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp một cách dễ dàng, thuận lợi.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện CĐS trong công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua việc sử dụng màn hình Led tại các cổng chào, vòng xoay. Các đơn vị chức năng đã ứng dụng công nghệ số trong biểu diễn nghệ thuật; thực hiện số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện, số hóa tư liệu, hiện vật trong bảo tàng; triển khai phần mềm bốc thăm và tổ chức lịch thi đấu thể dục thể thao; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống du lịch thông minh, gồm: Cổng thông tin du lịch tích hợp bản đồ số du lịch; tổ chức ra mắt app Du lịch Bình Dương trên 2 nền tảng IOS và Android với 64 chức năng tìm kiếm, phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Từ ngày 3-10-2022, Sở VH,TT&DL thực hiện thí điểm mô hình “Văn phòng không giấy”. Trong đó, lãnh đạo sở thực hiện chữ ký số 100%; hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong việc trao đổi, trình duyệt; tăng cường sự tương tác trên môi trường mạng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Quan tâm đẩy mạnh thực hiện
Ông Nguyễn Khoa Hải chia sẻ, để triển khai thực hiện CĐS theo đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, sở đã nghiên cứu, rà soát các nội dung chỉ đạo, định hướng về CĐS của các cấp thẩm quyền, trong đó có các văn bản. Trên cơ sở đó, đến nay Sở VH,TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4628/KH-UBND ngày 14-9- 2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở đã xây dựng và ban hành kế hoạch “Thực hiện Chương trình CĐS ngành VH,TT&DL tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ông Nguyễn Khoa Hải, mặc dù việc thực hiện CĐS còn những khó khăn, thách thức, tuy nhiên ngành VH,TT&DL xác định đây là nhiệm vụ chính trị và đặt ra mục tiêu để quyết tâm thực hiện. Theo đó, cùng với việc tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng về công tác CĐS trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, thời gian qua, Sở VH,TT&DL cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong ngành tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, tiếp cận và đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành cũng như tổ chức các hoạt động sự nghiệp.
Sở VH,TT&DL cũng đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc CĐS và xây dựng Thành phố thông minh trên các lĩnh vực hoạt động của ngành. Đây là cơ sở quan trọng để ngành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về CĐS đã đề ra.
HỒNG THUẬN