Ngành tư pháp Bình Dương: Điểm sáng trong công tác tư pháp cả nước
(BDO) Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp Bình Dương nói chung tiếp tục phát huy được kết quả của các năm trước. Nhìn chung chất lượng hiệu quả được nâng lên và đạt một số kết quả nổi bật. Trong nhiều năm liền, công tác tư pháp tỉnh Bình Dương được Bộ Tư pháp xác định là một trong những điểm sáng của ngành tư pháp cả nước với những hoạt động triển khai đúng hướng, đồng bộ, tích cực và cách làm mới. Từ đó, đã đem đến nhiều thành tích xuất sắc cho ngành tư pháp; nhất là việc nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2018, Sở Tư pháp Bình Dương vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Trong ảnh: Ông Trần Thanh Liêm (bìa phải), Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho Ban Giám đốc Sở Tư pháp
Đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Trong 5 năm qua, ngành tư pháp Bình Dương tiếp tục có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực công tác tư pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế của tỉnh.
Điển hình như công tác tuyên tuyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được xác định là một kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp có hiệu quả, vừa góp phần xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, vừa giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Thông qua hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu nại tố cáo vượt cấp và các tranh chấp phải giải quyết ở tòa án các cấp; góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu ấp văn hóa. Số lượng vụ việc hòa giải hàng năm giảm dần, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng tăng. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 6.062 đơn, đưa ra hòa giải 6.047 đơn, hòa giải thành được 5.147 đơn, đạt tỷ lệ 85,12%.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.454 câu lạc bộ (CLB) liên quan đến pháp luật, hầu hết các CLB đều phát huy hiệu quả góp phần tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình như các CLB nông dân với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, thanh niên với pháp luật; CLB phòng chống tội phạm, CLB trợ giúp pháp lý, tổ trợ giúp pháp lý; tổ chức tư vấn pháp luật... Thông qua sinh hoạt, các CLB này đã lồng ghép nhiều nội dung pháp luật như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng chống HIV/AIDS, giao thông đường bộ, môi trường... tuyên truyền đến các thành viên trong CLB.
Trong chuyến làm việc tại Bình Dương vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã biểu dương những thành tựu mà các ngành, các cấp trong tỉnh đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh ngành tư pháp Bình Dương là điểm sáng trong ngành tư pháp cả nước, có sự đóng góp âm thầm trong sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đứng trước những áp lực “việc nhiều người ít”, Bộ trưởng đề nghị Sở Tư pháp cần khắc phục những khó khăn, xây dựng bộ máy phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn để giảm thiểu áp lực công việc. |
Theo số liệu báo cáo của các sở, ngành, huyện, thị trong 15 năm đã tuyên truyền trực tiếp được 599.112 cuộc với 35.946.720 lượt người dự; tổ chức 3.060 cuộc hội nghị, hội thảo với 84.000 người dự; 6.897 hội thi ở các cấp với 771.792 người tham dự.
Trong năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 35.613 cuộc với hơn 1.278.484 lượt người tham dự. Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện được 658 vụ việc (tăng 58 vụ so với năm 2018). Các huyện, thị, thành phố tuyên truyền được 23.988 cuộc với 780.952 lượt người tham dự.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền pháp luật 6 tháng đầu năm 2020 là Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu định hướng tuyên truyền và tham gia tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Ghi nhận từ ngày 3-4 đến hết ngày 20-5-2020, cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trên internet “Cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19” đã thu hút 45.803 bài dự thi. Đây được xem là một hình thức tuyên truyền pháp luật sát sườn, phù hợp với tình hình thực tế được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
Cải cách hành chính với nhiều mô hình, sáng kiến hay
Giai đoạn 2015-2020, công tác cải cách hành chính tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều sáng kiến mới, mô hình hay, cách làm hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả, giảm mạnh tỷ lệ cấp phiếu lý lịch tư pháp trễ hạn, ứng dụng cấp phiếu trực tuyến, liên thông các ngành giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện phần mềm công chứng. Trên cơ sở đó, trong những năm qua, nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay góp phần cải cách thủ tục hành chính, từ đó giúp giảm thời gian đi lại và các thủ tục phức tạp khi thực hiện giao dịch hành chính tư pháp tại cơ sở.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, nhiều địa phương tại TP.Thủ Dầu Một đã đưa ra nhiều sáng kiến hay trong cải cách thủ tục hành chính. Điển hình là mô hình “Hộp phiếu hướng dẫn thủ tục tư pháp” tại UBND phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Đây là một trong những cách làm hay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thủ tục tư pháp, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Mô hình “Hộp phiếu hướng dẫn thủ tục tư pháp” ra đời đầu năm 2018 đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cán bộ phường cũng như người dân trong việc đăng ký thủ tục tư pháp - hộ tịch.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác quản lý nhà nước về pháp chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp - pháp luật và các lĩnh vực khác tiếp tục đi vào nề nếp và duy trì hiệu quả hoạt động, góp phần vào thành tích chung của ngành tư pháp tỉnh nhà.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết: “Những kết quả mà Sở Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp tỉnh nói chung đạt được trong thời gian qua là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát, hiệu quả của lãnh đạo Bộ Tư pháp, của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp Bình Dương. Để phát huy truyền thống của ngành tư pháp, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được. Chúng tôi sẽ nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực hoạt động của công tác tư pháp. Đặc biệt, đối với công tác thi đua khen thưởng sở sẽ tiếp tục tập trung đổi mới về nội dung, hình thức công tác thi đua khen thưởng phù hợp với tình hình mới. Chúng tôi sẽ chú trọng việc bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gắn phong trào thi đua với việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo động lực, đưa phong trào thi đua lên một tầm cao mới với chất lượng và hiệu quả ngày càng thiết thực hơn. Từ đó, góp phần mạnh mẽ vào việc lãnh đạo, chỉ đạo ngành tư pháp tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, cho rằng: “Công tác phổ biến giáo dục pháp luật luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh ủy có nhiều công văn chỉ đạo, định hướng công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Công tác tuyên truyền có nhiều đột phá với nhiều sáng kiến, giải pháp, mô hình, cách làm mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền cho các nhóm đối tượng đặc thù, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp với nhiều hình thức sáng tạo. Đáng chú ý là hình thức tuyên truyền trực tiếp. Đây là hình thức tuyên truyền được tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị áp dụng nhiều và rất có hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật như thông qua hoạt động nghiệp vụ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức các cuộc họp, hội thảo hội nghị, xét xử lưu động, sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố, sinh hoạt cơ quan, tổ chức”. |
TÂM TRANG