Ngành Thuế tỉnh: Tiếp tục đồng hành hỗ trợ người nộp thuế
(BDO) Thực hiện các chương trình, chính sách góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân, tạo động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngành thuế thường xuyên phối hợp với các hiệp hội gặp gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cộng đồng DN. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ lãnh đạo DN tại cuộc đối thoại với BIFA
Nhiều chính sách hỗ trợ
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ngành nghề, lĩnh vực có xu hướng thắt chặt quản lý, dè dặt hơn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, thậm chí buộc phải “đắp chiếu” các dự án đang triển khai dẫn tới thiệt hại về kinh tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của DN.
Trước những khó khăn trên, trong giai đoạn từ 2020-2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng DN và người dân. Tại Bình Dương, tính đến cuối tháng 9-2023, Cục Thuế tỉnh đã hoàn thuế giá trị gia tăng 16.543 tỷ đồng, bằng 43,31% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023.
Năm 2023, với tinh thần tiếp tục đồng hành cùng DN, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai các gói chính sách tài khóa hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với 115,54 tỷ đồng; gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trên 4.164 tỷ đồng; miễn tiền chậm nộp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 gần 46 tỷ đồng… Các biện pháp trên đã trực tiếp hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân và DN, giúp DN sớm cân bằng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đã góp phần quan trọng vào sự phục hồi, thúc đẩy sự chuyển mình của DN trong giai đoạn hiện nay.
Lắng nghe nguyện vọng của DN
Nhằm hiện thực hóa thông điệp “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, ngành thuế tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tích cực cho DN tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thông qua đó tăng cường hiệu quả trong hoạt động của DN. Bên cạnh đó, ngành thuế luôn lắng nghe nguyện vọng chính đáng và đồng hành hiệu quả với DN trong quá trình thực hiện chủ trương về thuế.
Tại các hội nghị đối thoại giữa Cục Thuế tỉnh với DN, hiệp hội ngành hàng trong năm 2023, các DN đều cho rằng, rất nhiều thông tin liên quan đến các chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế được cơ quan chuyên môn chủ động cung cấp. Đồng thời, ngành thuế giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc rốt ráo, minh bạch và thẳng thắn, nhất là khi người nộp thuế chuyển đổi sang hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và tăng cường quan hệ hợp tác giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.
Ghi nhận đánh giá mức độ hài lòng của DN về ngành thuế, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), cho biết thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại, tỷ lệ DN hài lòng với các thủ tục thuế ngày càng tăng. Trong đó, nhiều chỉ số đánh giá quan trọng đều đạt điểm cao nhờ sự dễ dàng tiếp cận thông tin, hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính. Thái độ tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến DN của công chức ngành thuế ngày càng được nâng lên, được cộng đồng DN đánh giá cao.
THANH HỒNG