Ngành thép trước “cửa ải” phòng vệ thương mại
Theo các doanh nghiệp ngành thép, hiện nay việc thường xuyên phải ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại là một thách thức lớn cho ngành thép. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã thông tin về việc Cục Ngoại thương Thái Lan (Bộ Thương mại Thái Lan) đã đăng công báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, ngày 25-9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã nỗ lực phục hồi sản xuất, tiếp tục tăng trưởng. Tuy vậy, hiện nay doanh nghiệp ngành thép đang đối diện với những vấn đề lớn như phát triển công nghệ, nắm bắt thị trường trong xu thế cạnh tranh, phòng vệ thương mại. Trên thực tế, việc ứng phó với phòng vệ thương mại phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả phối hợp giữa các bên liên quan, gồm doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan Nhà nước; trong đó vai trò các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là quan trọng.
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về Việt Nam. Từ đó hiệp hội và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc có thêm sự chuẩn bị tinh thần và thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra.
Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục đưa ra các khuyến nghị doanh nghiệp cần bám sát các thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam để tiếp tục cập nhật cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu…
Dẫu vậy, mặc dù các vụ việc phòng vệ thương mại là một thách thức lớn cho ngành thép Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp thép nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường thép toàn cầu. Từ các vụ việc, nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết để có thể chủ động trong việc ứng phó tốt hơn trong tương lai. Doanh nghiệp cũng cần cải tiến hệ thống quản trị, chuẩn hóa hệ thống thông tin của mình nhằm giúp việc truy xuất thông tin phục vụ cho các vụ việc phòng vệ thương mại được nhanh chóng và chính xác, bảo đảm tuân thủ các quy định về thời hạn trả lời cơ quan điều tra; chủ động theo dõi tiến độ vụ việc, thể hiện thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, tránh việc bị coi là không hợp tác và sẽ bị áp mức thuế bất lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động rà soát thường xuyên kế hoạch, hoạt động xuất khẩu để được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại và tránh được những cuộc điều tra phòng vệ thương mại…
KHẢI ANH