“Ngành thép ngốn quá nhiều điện”
EVN vừa có văn bản gửi Thủ tướng phản ánh về những khó khăn trong việc cấp điện cho các dự án sản xuất thép ngoài quy hoạch. Theo thống kê đến ngày 30-8-2009, Việt Nam có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới chỉ sử dụng chưa tới 50% công suất, nhưng hằng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Ngành điện đã phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho nguồn, trạm, đường dây dẫn điện. Hằng năm các nhà máy tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện.
EVN cho rằng điện cho các nhà máy gang thép làm tăng khối lượng đầu tư của ngành điện, ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân. Theo EVN nhiều doanh nghiệp đầu tư ồ ạt dự án thép trong thời gian vừa qua ở một số địa phương đã phá vỡ quy hoạch về điện, làm lưới điện hiện hữu bị phá nát. Ví dụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2006 đến nay đã qua 7 lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện.
EVN nhận định giá bán điện cho các nhà máy thép vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Trong khi đó giá bán điện công nghiệp (bao gồm thép) tại các nước khu vực như Thái Lan là 8,12 cent mỗi kWh, Singapore 14,1 cent mỗi kWh, Indonesia 6,7cent mỗi kWh thì Việt Nam là 4,78 cent. EVN lo ngại, với giá bán điện quá rẻ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tranh thủ sản xuất thép ở Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác.
EVN kiến nghị, đối với các dự án sản xuất thép có công suất điện lớn, chủ đầu tư cần xây dựng nguồn điện để sử dụng, phần dư công suất điện sẽ bán lại cho hệ thống điện quốc gia. Chính phủ cần sớm ban hành giá điện theo công suất đăng ký để nhà đầu tư đăng ký đúng nhu cầu điện, tránh lãng phí, tránh nhập khẩu các thiết bị lạc hậu có sức tiêu hao năng lượng cao. EVN cho rằng, hiện hệ số sử dụng công suất của các nhà máy thép mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế, do đó, việc phát triển thêm các dự án mới cần phải được cân nhắc kỹ.
Theo VNE