Ngành thép chồng chất khó khăn!

Thứ năm, ngày 09/06/2011

Chưa phục hồi được bao lâu sau đợt khủng hoảng năm 2008 thì bây giờ doanh nghiệp (DN) ngành thép lại đang phải đối mặt với nỗi lo mới. Ở thời điểm hiện tại, ngành thép đang chồng chất khó khăn.

Khó khăn chồng chất

Do tình trạng dư thừa sản phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho ngành thép. Trước hết, là chi phí lãi vay tăng cao ảnh hưởng lớn đến các DN trong ngành, do phần lớn DN thép vay nợ ngắn hạn lớn để tài trợ hàng tồn kho. Với mức lãi suất từ 22-25%/năm như hiện nay, lợi nhuận các DN ngành thép sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

  Những khó khăn chồng chất đang khiến cho các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam lao đao (Trong ảnh: Thép tồn kho tại Công ty Tôn Nam Kim)

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết: “Nhà nước đang dùng nhiều biện pháp đối với ngành ngân hàng để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, với tình hình lãi suất ngân hàng như hiện nay, chúng tôi khó lòng kiếm lợi nhuận. Trong bối cảnh này, kiếm đủ tiền để trả lương cho công nhân và trả lãi ngân hàng đã là một thành công lớn”. Ông Nghĩa lý giải: Với tình hình khó khăn hiện tại, thép tồn kho của chúng tôi đã quá nhiều. Nếu đẩy nhanh tiến độ, đưa hết các dây chuyền mới vào hoạt động, thép không bán được lại trả lãi ngân hàng cao, lúc đó mức thua lỗ sẽ rất lớn. Hiện, Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc vẫn phải sản xuất bình thường để giữ nhân công, bảo đảm sản lượng bình thường dù mỗi tấn thép thành phẩm bán ra hiện nay, công ty phải chịu lỗ từ 50 - 100 USD.

Ngoài ra, giá phôi thép thế giới tăng hơn 50% so với năm 2010 và việc điều chỉnh tỷ giá hồi đầu năm ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các DN  trong ngành, do phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu. Việc hạn chế đầu tư công và tình hình lạm phát tăng cao tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân trong năm 2011 cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu thép nói chung.

Vẫn phải hy vọng

Ông Hồ Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Tôn Nam Kim thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: “Thời điểm hiện tại là một phép thử rất nghiệt ngã đối với DN thép Việt Nam. Hiện doanh số chúng tôi sụt giảm 30% so với năm 2010 do nhu cầu của thị trường giảm. Tuy nhiên, phải biết chấp nhận sự thật và cố gắng làm sao để đủ tiền trả lương cho công nhân, trả lãi cho ngân hàng là đã quá thành công. Chờ đợi và hy vọng thôi”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cũng cho hay, DN đang cố gắng duy trì sản xuất để chờ đợi tính hiệu quả từ các chương trình chống lạm phát của Chính phủ như hiện nay. Hy vọng, đến cuối quý III-2011, tình hình sẽ khá hơn đối với ngành thép.

 Khó khăn nhưng DN vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động

Ngoài việc phải bấm bụng chịu lỗ để hy vọng ngành thép vượt qua những khó khăn dồn dập, các công ty thép còn dè dặt trong việc đầu tư mới các dự án cán thép lớn. Đối với Công ty Tôn Nam Kim, lẽ ra ở thời điểm này đã có thể đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất mới lớn hơn tại KCN Đồng An II. Tuy nhiên, do diễn biến xấu của ngành thép hiện nay mà công ty phải lùi tiến độ thực hiện dự án lại đến cuối năm mới đưa nhà máy vào hoạt động. Trong khi đó, Khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc được cho là có quy mô lớn với sản lượng thép khi hoạt động hết công suất lên đến gần 1 triệu tấn/năm giờ cũng phải... giãn tiến độ để lùi ngày đưa vào sử dụng đến thời điểm cuối năm 2011.

Khó khăn chồng chất nhưng cũng có những nhận định lạc quan bởi hiện nay, nhiều DN với sự đầu tư mới các máy móc sản xuất hiện đại, cho ra những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn đã có thể đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết tình trạng ế ẩm, tồn kho trong nước. Ngoài ra, một số công ty thép có quy mô lớn còn mạnh dạn trữ thép số lượng lớn, đợi khi thị trường phục hồi sẽ bung mạnh ra để tiêu thụ. Đó cũng là một hình thức kinh doanh chấp nhận mạo hiểm để về sau thu lại lợi nhuận cao.

KHÁNH VINH

Từ năm 2001 đến nay, sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam tăng trưởng trung bình 15,18%/năm. Theo ước tính của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ thép sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 15 - 20%/năm trong những năm tới. Tuy nhiên theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn/năm. Từ nay đến cuối năm 2011, nguy cơ dư thừa sẽ tiếp tục gia tăng khi một số dự án thép lớn có công suất 250 - 500 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động. Chính điều đó khiến cho thị trường thép Việt Nam trở nên dư thừa sản lượng so với nhu cầu của xã hội. Như vậy, cùng với việc mất cân đối cung cầu thì cạnh tranh giữa các DN sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, xuất khẩu đang được coi là giải pháp khả thi nhằm giải phóng lượng thép dư thừa, nhưng điều này cũng không phải dễ.