Ngành tài nguyên và môi trường thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ tư, ngày 06/07/2022

(BDO) Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tính đến cuối tháng 6-2022 sở đã hoàn thành công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc về các nội dung chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực phụ trách. Trong đó, hoạt động CĐS được ngành đánh giá là diễn ra khá nhanh chóng và tích cực.

 

Cán bộ chuyên ngành kiểm tra tiến độ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường

 Kiện toàn cơ sở dữ liệu điện tử

Kể từ khi được tỉnh phê duyệt đến nay, ngành TN&MT đã tích cực triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương”. Đến nay, công tác xây dựng hệ thống thông tin (cơ sở dữ liệu) lĩnh vực đất đai nói riêng và TN&MT nói chung đã có những kết quả nhất định. Theo đó, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thu thập và lưu trữ dữ liệu, thời gian qua ngành TN&MT tỉnh cơ bản đã thiết lập thành công thiết kế tổng thể, thống nhất trong toàn ngành về cơ sở toán học, định dạng dữ liệu, cấu trúc, font tiếng Việt, phân lớp thông tin…

Ngành cũng đặt mục tiêu tiếp tục triển khai dài hạn để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc lưu trữ, bảo quản, khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu TN&MT. Ngoài khả năng liên kết, chia sẻ thông tin với các phân hệ đo đạc bản đồ, môi trường, địa chất khoáng sản, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước… hệ thống cơ sở dữ liệu TN&MT còn hướng tới mục tiêu mở rộng kết nối và tương thích với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác của tỉnh và cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh cho biết, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đầu tư 155 hệ thống máy chủ, máy trạm phục vụ công tác lưu trữ dữ liệu TN&MT. Tất cả các hệ thống này đều được trang bị phần mềm có bản quyền, uy tín như microsoft, Esri… làm tiền đề để xây dựng các ứng dụng phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến phần mềm ViLIS với hơn 200 chức năng, được nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh ở 9 huyện, thị, thành phố thao tác trực tiếp hàng ngày.

Để bảo đảm công tác lưu trữ thông tin được duy trì thường xuyên và có hiệu quả cao nhất, ngành cũng phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ internet thiết lập có hiệu quả hệ thống Modem, Switch, mạng VPN-Firewall, hệ thống chống sét… và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, với tốc độ đường truyền download/ upload trung bình từ khoảng 12Mbps đến 64Mbps.

Thời gian qua, ngành TN&MT cũng tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian, hồ sơ quét… Trong đó, đối với hệ thống cơ sở dữ liệu không gian, ngành đã hoàn thành công tác xây dựng khép kín đối với 1.082.997 thửa đất trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình cập nhật, chỉnh lý biến động, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh huyện, thị, thành phố cũng đã hoàn thành quét, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật vào kho hồ sơ quét đối với 2.832.852 hồ sơ. Đây là những cơ sở dữ liệu được thu thập, xây dựng một cách khoa học, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xử lý công việc chuyên môn của ngành, liên ngành trong trường hợp cần thiết.

Doanh nghiệp, người dân hưởng lợi

Thông qua Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương”, ngành TN&MT tỉnh cũng tiếp tục kiện toàn công tác xây dựng bản đồ địa chính dùng chung. Đến nay đã cập nhật, chỉnh lý và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên địa bàn. Để bảo đảm bản đồ địa chính luôn được cập nhật sát với tình hình thực tế tại các địa phương, sở cũng giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn thường xuyên khai thác, cập nhật các biến động trên nền bộ bản đồ duy nhất này, bảo đảm tính thống nhất, kịp thời của các biến động đất đai.

Bên cạnh hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được lưu hành nội bộ, ngành TN&MT cũng xây dựng các nhóm ứng dụng công khai về lĩnh vực để phục vụ người dân. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến hệ thống tra cứu, tham khảo thông tin quy hoạch, pháp lý của các thửa đất trên địa bàn thông qua ứng dụng “Thông tin quy hoạch sử dụng đất Bình Dương”. Thay vì phải qua nhiều bước kiểm tra thông tin như trước đây, người dân có nhu cầu giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh có thể truy cập ứng dụng theo đường dẫn qhkhsdd. binhduong.gov.vn để tham khảo. Sau khi xác định được vị trí, diện tích, thông tin quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất người dân có thể tiến hành xác minh trực tiếp lại với cán bộ địa chính địa phương trước khi tiến hành giao dịch.

Không chỉ người dân mà các ngân hàng, doanh nghiệp… cũng được hưởng lợi từ hệ thống cơ sở dữ liệu TN&MT. Cụ thể, để kiểm tra tính pháp lý, quy hoạch về một bất động sản mà tổ chức, cá nhân muốn thế chấp vay vốn, các ngân hàng phải thông qua nhiều bước xác minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ, số hóa được phổ biến với hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử đang dần được hoàn thiện thì công tác xác minh cũng dễ dàng, thuận lợi hơn trước. Những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề và thường xuyên có những tình huống nghiệp vụ liên quan bất động sản cũng được hưởng lợi nhờ những thông tin, dữ liệu được ngành chức năng công khai hoặc chia sẻ trực tiếp.

 Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, sau khi được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, hoạt động chuyển đổi số, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh được diễn ra nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả hơn trước. Tính đến tháng 6-2022, hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên, hiện cơ sở dữ liệu thuộc tính địa chính đối với khoảng 1.256.968 thửa đất.

 ĐÌNH THẮNG