Ngành sơn mài truyền thống: Hàng phục vụ tết đắt khách
(BDO) Hiện nay, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống đang được nhiều người lựa chọn làm quà tết. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài truyền thống trong tỉnh đang tập trung sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Đơn hàng khả quan
Tuy không còn thời kỳ vàng son cách đây vài chục năm, nhưng những ngày này Làng sơn mài Tương Bình Hiệp cũng có phần chộn rộn bởi các cơ sở, doanh nghiệp đang tranh thủ sản xuất cho những đơn hàng phục vụ tết.
Công nhân tại một cơ sở sản xuất sơn mài truyền thống ở Tương Bình Hiệp đang tập trung sản xuất cho kịp đơn hàng phục vụ tết. Ảnh: Q.NHIÊN
Theo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, những năm gần đây, trên thị trường xuất khẩu, mặt hàng sơn mài tăng trưởng bình quân 5 - 7%/năm, trong khi đó thị trường nội địa tăng hơn 10%/năm. Đây là tín hiệu tốt cho ngành sơn mài. Riêng luợng hàng tết, thường chiếm khoảng 20% doanh thu cả năm của doanh nghiệp sản xuất sơn mài. Tết Mậu Tuất 2018, lượng đơn hàng rất khả quan và có thể cao hơn Tết Đinh Dậu từ 10 - 15%.
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, cho hay sản phẩm sơn mài hiện nay có hai dạng: dạng hiện đại theo nhu cầu thị trường và dạng truyền thống thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật sơn mài. Năm 2018 là năm Tuất nên nhiều khách hàng đã yêu cầu lựa chọn những sản phẩm có họa tiết gắn liền với năm Tuất. Tại xưởng sản xuất của công ty, hiện có hơn 20 công nhân lành nghề đang hoàn thiện các sản phẩm lọ hoa, bình, hũ, hộp... và nhiều vật dụng trang trí khác để kịp giao hàng.
Chị Đỗ Thị Thủy, ở TX.Thuận An, chia sẻ sản phẩm sơn mài truyền thống đều được làm bằng tay nên bảo đảm nét độc đáo, kỹ xảo trên từng chi tiết. Chính vì vậy, dịp tết chị muốn tặng những món quà này đến đối tác để thể hiện sự vẹn tròn mùa xuân như lời chúc điều may mắn đầu năm mới.
Bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài
Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của sản phẩm, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Ðông. Làng nghề cũng có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp... Bằng nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài cẩn trứng... kết hợp trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gốm, tre... Sản phẩm sơn mài tại đây được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Ông Trương Quang Tịnh, Giám đốc Công ty Sơn mài Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), cho biết các loại quà tặng dịp tết như tranh, hộp đựng mứt, bánh ngày tết… được khách hàng mua nhiều nhất. Bên cạnh đó, năm nay TP.Thủ Dầu Một tổ chức cuộc thi “Sáng tác tác phẩm, sản phẩm sơn mài TP.Thủ Dầu Một” nên các cơ sở và các nghệ nhân đang tích cực chuẩn bị để làm ra những tác phẩm có chất lượng, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để trưng bày vào dịp diễn ra Triển lãm mừng Đảng - mừng Xuân Mậu Tuất, dự kiến được tổ chức tại hoa viên Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một.
Mới đây, UBND TP.Thủ Dầu Một đã thông qua kế hoạch bảo tồn, phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Theo đó, địa phương, làng nghề sẽ phối hợp với Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh phát động cuộc thi sáng tác sản phẩm sơn mài TP.Thủ Dầu Một; xây dựng website để quảng bá hoạt động, giới thiệu về bản sắc và hình ảnh của địa phương, về lịch sử, văn hóa - truyền thống, các giá trị mà làng nghề hướng tới; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch làng nghề… Với những giải pháp này, cùng sự đồng lòng của các nghệ nhân tâm huyết, hy vọng trong thời gian tới Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
Có thể trong cuộc sống hiện đại, nhiều sản phẩm đã dần thay thế cho những đồ vật xưa cũ, nhưng các sản phẩm hàm chứa giá trị văn hóa dân tộc như sơn mài vẫn đuợc lưu truyền từ đời này qua đời khác. Và mỗi dịp tết đến xuân về, những sản phẩm sơn mài lại góp thêm sự thi vị cho cuộc sống.
QUỲNH NHIÊN