Ngành nông nghiệp Bình Dương: Đẩy lùi khó khăn, nâng tầm sản xuất

Thứ tư, ngày 16/04/2014

Trong quý I-2013, dù gặp nhiều biến động bất lợi do thời tiết, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp (NN) Bình Dương vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, toàn ngành đã góp phần định hướng và hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Vượt qua khó khăn

Trong 3 tháng đầu năm, ngành NN Bình Dương gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhu cầu thị trường trước và sau Tết Nguyên đán đặt ra nhiều thách thức về việc cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cũng là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, ngành NN vẫn bảo đảm diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước đạt 7.087 ha, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2013. Một điều đáng ghi nhận là diện tích gieo trồng giữ vững và việc kiểm soát sâu bệnh đã có tiến triển tích cực, chỉ có vài loại cây trồng chính bị nhiễm bệnh với tỷ lệ khoảng 60% so với cùng thời điểm năm ngoái. Riêng trên cây khoai mì hiện đang bị rệp sáp bột hồng gây hại ở mức độ nhẹ. Ngành đã kịp thời chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân các biện pháp ngăn chặn, theo dõi.

Trong quý I vừa qua, Bình Dương đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm H5N1. Trong ảnh: Tiêm phòng cúm gia cầm tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một.

Ảnh: CAO SƠNTrong quý I, dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước gây khó khăn không nhỏ cho ngành NN. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác cao độ, Chi cục Thú y Bình Dương đã theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Chính vì thế, bệnh cúm H5N1 trên đàn gia súc, gia cầm chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Dịch bệnh đã xảy ra ở các xã Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên), phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An), phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) được tiêu hủy nhanh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm đã được dập tắt. Để có sự chủ động, kiểm soát tốt dịch bệnh, trước khi xảy ra dịch ngành NN đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Rõ ràng, dù trong quý xảy ra nhiều biến động về thời tiết và dịch bệnh nhưng ngành NN Bình Dương đã có sự nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn chung. Qua đó, ngành đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, hỗ trợ bà con nông dân trong cả trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật

Trong thời gian qua, ngành NN cũng có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần đẩy mạnh phát triển NTM, cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, hỗ trợ vốn để nông dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn.

Ngành NN liên tục theo dõi tiến triển của các mô hình và hỗ trợ các hạng mục còn lại của các dự án khuyến nông, khuyến ngư đã được thực hiện trong năm 2013 như: các mô hình NN đô thị (trồng hoa, rau, cá cảnh…), các mô hình phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả đặc sản, mô hình chăn nuôi - thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao (gà thả vườn, heo hướng nạc, cá rô đồng - sặc rằn…). Ngoài ra, ngành còn tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi các mô hình trồng rau thủy canh, trồng rau an toàn trong nhà lưới hở, mô hình xử lý lục bình, mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại xã Thanh An (Dầu Tiếng).

Việc hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất cũng được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 771,8 ha gồm các cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa lan, cây cảnh… Ngoài ra, có 77 trại và 4 công ty gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt cũng được chú trọng phát triển, nâng tổng đàn lên gần 4 triệu con, tổng đàn heo lên đến 106,8 ngàn con. Nông nghiệp đô thị cũng được đẩy mạnh phát triển, diện tích trồng trọt đã đạt 99,5 ha với 494 tổ chức cá nhân. Chăn nuôi trong đô thị cũng có đến 458 hộ đầu tư với khoảng 252,2 ngàn con giống các loại, giúp nông dân mang lại lợi nhuận cao, cải thiện kinh tế gia đình.

Trong thời gian qua, ngành NN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định quan trọng về xây dựng NTM. Ngoài ra, ngành cũng đã đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng đề án NTM cho nhiều xã trên địa bàn, nâng tổng số xã đã có quy hoạch và đề án lên con số 32/48 xã. Đến nay, đã có 5 xã điểm đạt chuẩn NTM và đang chờ được thẩm định lần cuối để công bố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cho biết: “Trong thời gian qua dù gặp nhiều biến động bất lợi nhưng ngành NN Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong quý tới ngành NN cần tăng tốc hơn nữa để quản lý an toàn hồ đập trong mùa mưa, hỗ trợ kịp thời kỹ thuật, con giống cho bà con nông dân trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn nữa”.

KHÁNH VINH