Ngành logistics: Tự đổi mới để phát triển

Thứ năm, ngày 23/03/2017

Tuy mới hình thành và phát triển tại Việt Nam nhưng chuỗi cung ứng trong dịch vụ logistics chỉ còn lại một phần trên cạn với một vài doanh nghiệp trong nước đạt mức 3PL (logistics theo hợp đồng); phần trên biển hiện do các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp ngành logistics trong nước cần tự đổi mới, nâng cao chính mình để giữ thị phần trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

(BDO)

ICD Tân Cảng Sóng Thần - trung tâm logistics đạt cấp độ 3PL của tỉnh Bình Dương và khu vực. Ảnh: DUY CHÍ

 Khi số đông chiếm tỷ suất lợi nhuận thiểu số

Đây là thực trạng của thị trường logistics trong nước hiện nay được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, trường Đại học Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, trên cơ sở nghiên cứu khoa học và khảo sát riêng của bà. Theo tiến sĩ Hòa, các công ty logistics của Bình Dương cung cấp chủ yếu những dịch vụ: Khai báo hải quan (68,8%), làm thủ tục xuất nhập khẩu (62,5%), cho thuê kho hàng (65,6%)… Các dịch vụ logistics hoàn hảo như xử lý đơn hàng chỉ chiếm 15,6%, phân phối chiếm 9,4%, kiểm tra chất lượng chiếm 3,1%, quản lý chuỗi cung ứng chiếm 9,4%...

Dịch vụ logistics được doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cung cấp chủ yếu cho những công ty thuộc các lĩnh vực như dệt may, giày da, xuất nhập khẩu, linh kiện điện máy, chế biến gỗ. Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại Bình Dương vẫn còn thói quen mua CIF (giá đã bao gồm vận chuyển, bảo hiểm về đến cảng) vàbán FOB (giá giao tại cảng đích chưa bao gồm vận chuyển và bảo hiểm). Do đó đã hạn chế cơ hội cung cấp dịch vụ logistics trọn gói của các công ty logistics của tỉnh.

Lãnh đạo Hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay tạm chia thị phần logistics thành 2 mảng: Mảng dưới biển và mảng trên bờ. Hiện mảng dưới biển đã do các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh; mảng trên bờ thì có đến 70% doanh nghiệp trong nước khai thác nhưng chủ yếu ở cấp độ thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao, 30% còn lại là do một số doanh nghiệp nước ngoài với bề dày kinh nghiệm, khả năng liên kết cao giành quyền khai thác. Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước dù chiếm số đông đối với mảng trên bờnhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn là thiểu số so với doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này được chứng minh thực tế qua ý kiến của ông Trần Trí Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Sóng Thần (TX.Thuận An): Bình Dương là tỉnh có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển chiếm đến 51% tổng nguồn cung kho bãi khu vực phía Nam - khu vực có tổng nguồn cung kho vận thuộc tốp đầu của cả nước. Tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang có mặt hầu hết các công ty logistics lớn trên thế giới, các doanh nghiệp này đang chiếm lĩnh thị phần cao đối với mức 3PL với lợi nhuận từ 15 - 35%. Do chi phí vận chuyển cao nên đã nâng tổng chi phí logistics nội địa lên mức 20% của tổng giá thành sản phẩm. Kế đến là sự phân tán, thiếu tính liên kết trong hoạt động mà phần lớn các doanh nghiệp trong nước đã chấp nhận làm nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành nghề với mình để được hưởng tỷ suất lợi nhuận không quá 15%.

Không ngừng đổi mới

Chi phí logistics lớn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp. Thấy được điều này, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống cảng cạn (ICD), cảng sông cùng hệ thống đường bộ mang tính liên thông, liên hoàn giữa giao thông trong tỉnh với hệ thống giao thông của khu vực và cả nước. Mục đích của kế hoạch này là nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội nói chung, trong đó có chi phí logistics của doanh nghiệp.

Từ năm 2017 đến 2020, Bình Dương phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động 3 cảng sông gồm: Cảng An Sơn, sẽ trở thành trung tâm logistics ICD. Cảng dịch vụ container - kho chứa hàng hóa của DNTN Nguyên Ngọc, nằm trên sông Thị Tính (phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một) với diện tích quy hoạch 10 ha, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020. Cảng Thái Hòa (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên), nằm trên sông Đồng Nai, được quy hoạch diện tích khoảng 300 ha, do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với vốn đầu tư 6.000 tỷđồng, dự kiến đền bù hoàn thành vào năm 2018.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, đơn vị hiện quản lý 21 kho ngoại quan, 4 kho CFS (địa điểm thu gom hàng lẻ), 2 ICD và 31 đại lý thủ tục hải quan. Hệ thống ICD và kho ngoại quan, kho CFS được bố trí hợp lý bảo đảm cung cấp kịp thời nguyên liệu nhập khẩu cho các nhà sản xuất và đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất khẩu. Hiện nay, nhiều kho ngoại quan trên địa bàn tỉnh có hệ thống quản lý hiện đại và diện tích lớn nhất cả nước.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, từ năm 2014, Hải quan Bình Dương đã triển khai máy soi container di động tại địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trên quốc lộ 13. Việc triển khai máy soi container đã rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ còn từ 5 - 7 phút, bảo đảm an toàn và vệ sinh cho hàng hóa, giảm chi phí kiểm tra. Hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất để Tổng cục Hải quan trang bị tiếp máy soi container tại ICD Sóng Thần nhằm bảo đảm 100% container được kiểm tra qua máy soi.

Cục Hải quan Bình Dương cũng đã áp dụng phần mềm quản lý kho CFS và phần mềm quản lý kho ngoại quan. Hai phần mềm này đã giúp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa và quản lý kho giảm thời gian làm thủ tục, giảm giấy tờ khai báo. Từ đầu tháng 3-2016, Cục Hải quan Bình Dương đã triển khai đồng loạt tại các chi cục làm thủ tục 46 dịch vụ công trực tuyến qua website của cục, trong đó có 37 dịch vụ công do chính Hải quan Bình Dương xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại, minh bạch thông tin giữa công chức hải quan và doanh nghiệp…

Những nỗ lực trên của các ngành, các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được chứng minh qua kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, Bình Dương đã nhảy vọt từ vị trí25 năm 2015 lên vị trí thứ 4 của cảnước.

Điều làm một số doanh nghiệp còn băn khoăn là hầu hết các doanh nghiệp logistics trong cả nước và của Bình Dương thuộc loại nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế về vốn cũng như công nghệ, nhân lực, lại chưa có sự gắn kết với nhau nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ hiện có. Tình trạng này không chỉ hạn chế năng lực toàn hệ thống, khả năng phát triển mà còn là nguy cơ khi thị trường logistics mở cửa. Theo các nhà chuyên môn, muốn tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp logistics phải không ngừng đổi mới và tự lớn lên bằng khả năng liên kết của chính mình.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I: Pháp luật ổn định thì doanh nghiệp mới có chiến lược lâu dài

Chiến lược trong kinh doanh thể hiện tầm vóc và ý chí vươn lên của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp xây dựng chiến lược lâu dài phải dựa trên sự ổn định của pháp luật. Thực tế thời gian qua, lãi suất, tỷ giá ngân hàng trong nước so với các nước trong khu vực tần suất thay đổi cao hơn. Trong khi đó, quy định pháp luật của chúng ta thường xuyên thay đổi khiến các nhà doanh nghiệp lúng túng khi đề ra chiến lược mang tính dài hơi.

 DUY CHÍ