Ngành Logistics Bình Dương: Đa dạng dịch vụ, giàu tiềm năng
Logistics là chuỗi hoạt động giao nhận, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu hàng hóa... Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng tạo ra hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp gần 60% ngân sách cả nước. Do vậy, thời gian qua ngành logistics Bình Dương phát triển mạnh. Đây là một trong những ngành kinh tế hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao trong thời gian tới.
Dịch vụ năng động nhất trong chuỗi logistics là vận chuyển hàng nhập khẩu từ cảng về công ty hoặc từ công ty ra cảng
Đa dạng dịch vụ
Dịch vụ logistics ở Bình Dương khá đa dạng, từ vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sông, đường sắt… đến giao nhận hàng hóa và lưu kho lưu bãi. Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa, vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng và có mức tăng nhanh nhất. Giai đoạn 2007-2011, vận tải hàng hóa đường bộ tăng bình quân 46%/năm. Riêng năm 2011, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 72,6 triệu tấn, chiếm 98,7% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã vận tải chuyên thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sông cũng phát triển mạnh. Hàng loạt bến cảng đường sông được quy hoạch nhằm phục vụ việc bốc dỡ và thông quan hàng hóa nội địa. Hiện Bình Dương có 3 cảng đường sông, gồm: Cảng Bà Lụa nằm trên sông Sài Gòn thuộc phường Chánh Nghĩa, TP.TDM; Cảng Bình Dương nằm bên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn phường Bình Thắng, TX.Dĩ An và Cảng Thạnh Phước nằm trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên. Ngoài 3 cảng sông nói trên, Bình Dương còn có 64 bến thủy nội địa, phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa. Ngoài đường bộ và đường sông, Bình Dương còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Đoạn đường sắt đi qua Bình Dương thuộc địa bàn TX.Dĩ An, dài 8,6km, có ga Sóng Thần hàng năm xếp dỡ và vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng hóa.
Cùng với dịch vụ vận chuyển, trong những năm qua dịch vụ lưu kho, lưu bãi hàng hóa tại Bình Dương phát triển mạnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 đơn vị thực hiện dịch vụ này là ICD Sóng Thần 2 và ICD TBS Tân Vạn. Đây là các cơ sở có hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp 4 dịch vụ, gồm: Xếp dỡ, bảo quản container; lưu kho bãi; vận chuyển container và hải quan. Ngoài 2 đơn vị dịch vụ nói trên, toàn tỉnh còn có 10 kho chứa hàng hóa lớn ở các KCN và nhiều kho nhỏ lẻ khác của tư nhân, bảo đảm các dịch vụ thu gom, vận chuyển hàng hóa và chuyển phát theo yêu cầu. Dịch vụ hải quan gồm kho ngoại quan và đại lý hải quan với 17 kho ngoại quan tại các KCN và 17 DN làm đại lý thủ tục hải quan.
Xây dựng trung tâm logistics mới
“Quy hoạch, xây dựng Cụm cảng Logistics Tân Vạn là cần thiết. Cụm cảng này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung)
Để phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mới đây UBND tỉnh đã có đề án quy hoạch, xây dựng cụm cảng Tân Vạn thành trung tâm dịch vụ logistics, thuộc 2 phường Bình Thắng và Bình An ở TX.Dĩ An. Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng nơi đây thành Trung tâm logistics của các tỉnh miền Nam, đầu mối trung chuyển container đi các cảng quốc tế tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu; là dịch vụ gắn kết với các cảng sông Bình Dương trong chiến lược cung cấp dịch vụ toàn diện logistics trong chuỗi cung ứng, giao nhận hàng hóa.
Nhận xét về đề án này, Viện trưởng Viện Quy hoạch - Phát triển đô thị Bình Dương Huỳnh Văn Minh, cho biết quy hoạch Cụm cảng Logistics Tân Vạn theo đề xuất của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương, có vị trí tốt, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, dễ tiếp cận; hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và đồng bộ; hiện trạng ít dân cư, đất công nghiệp chiếm đa số. Báo cáo thuyết minh quy hoạch cũng đưa ra định hướng quy hoạch phân khu hành lang dịch vụ đô thị sông Đồng Nai và phương án quy hoạch Cụm cảng Tân Vạn, gồm các phân khu chức năng, như: Logistics, cảng, khu vực thương mại - dịch vụ, giao thông…
Cụm cảng Logistics Tân Vạn nếu được xây dựng sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành logistics Bình Dương, nhằm phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng, giao nhận hàng hóa cho cả khu vực; đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả khu vực nói chung; góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giải pháp để phát triển
Theo lộ trình, đến năm 2014 ngành logistics sẽ mở cửa hoàn toàn. Theo đó, các DN đầu tư nước ngoài sẽ được thành lập DN cung ứng dịch vụ logistics với 100% vốn đầu tư. Vì vậy, việc đẩy nhanh quá trình phát triển các loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này là cần thiết, nếu không DN trong nước sẽ khó cạnh tranh với các DN nước ngoài khi lộ trình mở cửa hoàn toàn đến hạn.
Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu thúc đẩy các loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn phát triển, trong đó đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại; bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mục tiêu tiếp theo là đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành này. Để đạt được điều đó, UBND tỉnh khuyến khích và cam kết hỗ trợ các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án dịch vụ logistics tại các khu cụm công nghiệp, cảng sông, các dự án đầu tư dịch vụ logistics “trọn gói” đạt chất lượng và hiệu quả. Trong đó, nhà nước hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng đường bộ và khai thông nạo vét đường thủy...
PHƯƠNG AN