Ngành kiểm tra Đảng: Xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân
Vừa tròn 65 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Trường Chinh - cố Tổng Bí thư của Đảng - đặt bút ký Quyết định số 29-QN/TW, ngày 16- 10-1948 về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng các thế hệ cán bộ ngành kiểm tra Đảng đã cùng quân và dân cả nước vượt qua khó khăn, gian khổ, mau chóng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Đội tự vệ cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương
Như chúng ta đã biết, công tác kiểm tra, giám sát và vấn đề kỷ luật (dưới đây gọi chung là công tác kiểm tra) có vị trí quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Đây là một tất yếu khách quan gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, nhằm bảo đảm đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, phương pháp và quy trình lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập đầu năm 1930, trong các văn kiện của Đảng đã có những nội dung đề cập một cách nghiêm túc đối với công tác kiểm tra.
Cùng với sự phát triển của cách mạng, qua từng nhiệm kỳ đại hội, lý luận về Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và về công tác kiểm tra nói riêng ngày càng phát triển, hoàn thiện và thật sự trở thành khoa học, nghệ thuật trong công tác lãnh đạo của Đảng. Điều 30, Điều lệ Đảng khóa XI khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”.
Vào các năm 1947-1948, do yêu cầu lãnh đạo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và thực hiện chủ trương về kiện toàn bộ máy chỉ đạo và chuyên môn của Đảng; mặt khác, từ 5.000 đảng viên năm 1945, đến cuối năm 1947, số đảng viên của Đảng đã lên tới 78.000 và các cấp ủy Đảng cũng đã được kiện toàn, nên cuối năm 1947, đầu năm 1948, Trung ương đã có điều kiện điều động một số cán bộ từ các tỉnh, khu về tăng cường cho cơ quan Trung ương. Và ngày 16-10-1948, với Quyết nghị 29-QN/TW, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương nhằm “… đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu nhặt kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”. Đây là cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, gồm ba đồng chí, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng ban. Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập. Ban Kiểm tra Khu ủy X thành lập tháng 10-1948, Ban Kiểm tra Khu ủy I thành lập tháng 7-1949, Ban Kiểm tra Liên khu ủy Việt Bắc thành lập tháng 12-1949… Thời gian này tổ chức ban kiểm tra Đảng mới chủ yếu được xây dựng đến cấp khu, liên khu. Tuy vậy, lẻ tẻ cũng có Tỉnh ủy đã thành lập được ban kiểm tra, như Ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bạc Liêu…
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2.1951 - 9.1960), Điều lệ Đảng quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu ủy), thành ủy, tỉnh ủy phải cử ra một số ủy viên lập thành ban kiểm tra của cấp tỉnh”. Nhiệm kỳ này, Ban Kiểm tra Trung ương kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ và có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội. Đến tháng 4-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và Ủy ban Hành chính tiến hành”. Kể từ đó, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của chính quyền được tách riêng.
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9.1960 - 12.1976), Điều lệ Đảng quy định việc thành lập Ủy ban Kiểm tra tới cấp ủy huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc Trung ương), ở các tỉnh miền Bắc. Ở miền Nam, do hoàn cảnh chiến tranh, nên trước năm 1969, hầu hết chưa thành lập Ủy ban Kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra nói chung vẫn do các cấp ủy trực tiếp đảm nhiệm. Đến tháng 7-1969, Ban Kiểm tra Khu ủy Trị Thiên - Huế được thành lập. Ngày 14-8-1969, Trung ương Cục miền Nam mới có Nghị quyết số 13-NQ về việc thành lập Ủy ban Kiểm tra các cấp.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng được tổ chức thống nhất toàn quốc. Cho tới nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3.1982 -12.1986), Ủy ban Kiểm tra Đảng được tổ chức từ cấp Trung ương cho tới Đảng ủy cơ sở. Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập Ủy ban Kiểm tra, tập thể cấp ủy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phân công một cấp ủy viên phụ trách.
Cùng với sự ra đời và kiện toàn Ban Kiểm tra, sau này là Ủy ban Kiểm tra các cấp, đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng phát triển. Khi mới thành lập chỉ có ba đồng chí ở cấp Trung ương, đến nay đã có hơn 6.000 cán bộ chuyên trách từ cấp quận, huyện, thị trở lên và hơn 65.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra các cấp do Điều lệ Đảng quy định từ một số nhiệm vụ ban đầu, chủ yếu là phục vụ cấp ủy, qua từng nhiệm kỳ Điều lệ Đảng giao cho Ủy ban Kiểm tra các cấp nhiều nhiệm vụ cụ thể, phức tạp hơn; tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho Ủy ban Kiểm tra từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên; từ Đại hội X đã bổ sung nhiệm vụ giám sát cho cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm tra ngày càng rộng mở và phức tạp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương luôn quan tâm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về mặt lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách của Đảng. Hệ thống giáo trình nghiệp vụ, các quy trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát được nghiên cứu kỹ lưỡng, luôn luôn được bổ sung, hoàn thiện theo kịp với đà tiến bộ chung của xã hội. Từ lúc ban đầu chỉ có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, đến nay, với sự hỗ trợ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngành kiểm tra Đảng đã đào tạo được một số khóa cử nhân kiểm tra Đảng, tổ chức được 2 lớp thi nâng ngạch lên kiểm tra viên cao cấp và nhiều lớp thi nâng ngạch lên kiểm tra viên chính. Điều kiện vật chất phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được cấp ủy các cấp quan tâm đầy đủ.
Cùng với các đồng nghiệp kiểm tra Đảng trong toàn quốc, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Bình Dương cũng có những bước tiến bộ đáng kể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh dành sự quan tâm lãnh đạo và chăm lo xây dựng ngành kiểm tra cả về cơ cấu tổ chức và nhân sự theo đúng các quy định và hướng dẫn của Trung ương. Cán bộ Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc và huyện, thị được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện làm việc ngày một tốt hơn, được chỉ đạo chặt chẽ về nội dung, chương trình công tác. Cán bộ kiểm tra cấp cơ sở cũng được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách nơi có đông đảng viên. Nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy viên các cấp về công tác kiểm tra, giám sát đã hoàn toàn đổi mới. Cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 30 của Điều lệ Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra và cơ quan Ủy ban Kiểm tra. Các đồng chí thành viên cấp ủy các cấp đều được phân công thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phụ trách các đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Nhận thức và thái độ của cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát ngày càng nghiêm túc; trách nhiệm của cá nhân đảng viên đối với công tác kiểm tra ngày càng được nâng cao. Sự phối hợp hoạt động giữa ngành kiểm tra Đảng với các ban ngành liên quan ngày càng chặt chẽ. Tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng vững vàng, chất lượng thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Nhiều cán bộ kiểm tra trưởng thành, được Đảng bộ tin cậy giao các trọng trách lớn hơn.
NGUYỄN VĂN TUY (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)