Ngành khoa học và công nghệ: Góp phần tích cực xây dựng TPTM Bình Dương
(BDO) Đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương được UBND tỉnh thông qua và phê duyệt vào tháng 11-2016. Với mục tiêu xây dựng một TPTM, một thành phố đáng sống, thành phố tiện ích, ngành khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai, chủ trì các vấn đề liên quan đến CN cho TPTM. Có thể thấy, trong thời gian qua, ngành KHCN đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai xây dựng TPTM Bình Dương.
Đưa ra các giải pháp cho TPTM
Đối với tỉnh Bình Dương, việc triển khai xây dựng TPTM được áp dụng theo mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) của TP.Eindhoven (Hà Lan). Theo đó, hướng tới Bình Dương đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021.
Trên cơ sở đó, ngành KHCN đã tích cực chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình, hội nghị để tìm kiếm các giải pháp cho việc xây dựng TPTM, như chủ trì tổ chức cuộc thi Hackathon 2016, Hackathon 2017; triển lãm doanh nghiệp KHCN tại hội nghị TPTM Bình Dương lần 2-2017... Thông qua cuộc thi Hackathon, ngành KHCN tỉnh có những giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn cao áp dụng cho việc vận hành TPTM. Cùng với đó, qua triển lãm doanh nghiệp KHCN góp phần để các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu các công nghệ, giải pháp vận hành TPTM, cũng như các giải pháp công nghệ cho sản xuất của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.
Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ngành KHCN của tỉnh chú trọng triển khai. Trong ảnh: Hoạt động nghiên cứu KHCN tại Fablab trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết điểm nhấn quan trọng của ngành KHCN là trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) lần thứ 16 tổ chức tại Bình Dương vừa qua, ngành đã phối hợp và chủ trì tổ chức nội dung Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu. Nội dung diễn đàn xoay quanh các vấn đề liên quan đến những thách thức trong phát triển TPTM; chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng TPTM, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong TPTM; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong xây dựng TPTM và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, ngành còn chủ trì tổ chức cuộc thi Sáng kiến xây dựng TPTM.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong Đề án xây dựng TPTM Bình Dương, Sở KHCN là một trong những sở, ngành nòng cốt. Đến nay, sở đã triển khai những nhiệm vụ liên quan đến đề án như tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ngành làm công tác quản lý; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn…
Theo kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mà UBND tỉnh đã phê duyệt cũng như các nội dung của Đề án xây dựng TPTM Bình Dương, trách nhiệm của Sở KHCN là xây dựng cơ sơ vật chất và hình thành nền tảng pháp lý của tỉnh trong hoạt động khởi nghiệp. Việc UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 được xem là cơ sở triển khai có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai mô hình “ba nhà”.
“Hiện nay, Vườn ươm doanh nghiệp Becamex (trong khuôn viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông) đã phát huy được hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KHCN đã triển khai xây dựng Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh (BIIC). Dự kiến, trung tâm sẽ đi vào hoạt động trong quý III-2019. Trung tâm là nơi hoạt động đào tạo, tư vấn, kết nối khởi nghiệp với các nhà tư vấn, các quỹ đầu tư… cho hoạt động khởi nghiệp”, ông Cường nói.
Bên cạnh đó, Sở KHCN còn tiếp tục triển khai không gian dùng chung (coworking sapce) tại Trung tâm BIIC, Vườn ươm doanh nghiệp Becamex và hỗ trợ các trường đại học triển khai các phòng thí nghiệm thực nghiệm (Fablab). Theo lãnh đạo Sở KHCN, đến nay Fablab tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã đi vào hoạt động. Sở đang làm việc với trường Đại học Thủ Dầu Một triển khai Đề án xây dựng Fablab công nghệ sinh học ứng dụng của tỉnh Bình Dương (BABF).
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển kiến trúc cho TPTM Bình Dương”, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là triển khai xây dựng TPTM Bình Dương, tới đây Sở KHCN sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu cho việc vận hành, quản lý TPTM. Kiến trúc dữ liệu được thu thập gồm phần dữ liệu từ các nguồn phát sinh giữa giao dịch các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, người dân; dữ liệu thu thập từ các cảm biến (dữ liệu thông thường) và dữ liệu từ các ứng dụng GIS, bản đồ số tổng thể của các ngành và có thể liên kết với dữ liệu Trung ương (dữ liệu quốc gia). |
HOÀNG PHẠM