Ngành hàng xuất khẩu chủ lực: Nỗ lực thích ứng, thúc đẩy tăng trưởng
(BDO) Bước sang năm 2022, trong bối cảnh vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức, song các doanh nghiệp (DN) đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các giải pháp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương bước sang năm 2022 với tâm thế sẵn sàng đối mặt với cơ hội và thách thức. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An
Mở rộng thị trường
Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu và hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN. Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại đã tạo cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập sâu vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Với ngành thép, năm 2021 là một năm có rất nhiều thuận lợi. Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (TP. Thủ Dầu Một), năm 2021 trong bối cảnh các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, đây là cơ hội cho các DN trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép. Thời gian tới, Đại Thiên Lộc tiếp tục đầu tư cho công nghệ, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng được các cơ hội từ thị trường. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã tạo điều kiện cho nhu cầu thị trường tăng mạnh, xuất khẩu sắt thép gặp nhiều thuận lợi. Hiện các nhà sản xuất lớn trong nước đều đạt con số xuất khẩu ấn tượng. Sắt thép các loại của nước ta được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ. Dự kiến năm 2022, các DN sản xuất thép thô tăng trưởng khoảng 8 - 10%, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm mức tăng tương ứng so với năm 2021.
Bên cạnh sự thành công của ngành thép, vượt qua một năm nhiều sóng gió, ngành gỗ bước sang năm 2022 với tâm thế sẵn sàng đối mặt với cơ hội và thách thức. Trong năm 2021, các DN gỗ Bình Dương có nhiều thành công trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, với mục tiêu năm tới đang được đề ra với mức từ 16,5 tỷ đô la Mỹ trở lên (tăng 5,7% so với năm 2021), trong đó Bình Dương chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, đòi hỏi ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản cần tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực, sáng kiến mới.
Hội nhập sâu rộng
Theo ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, những năm tới, ngành chế biến gỗ tỉnh tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, bên cạnh sẽ có không ít khó khăn, thách thức phải vượt qua. Theo đó, ngành gỗ Bình Dương sẽ nỗ lực duy trì vị thế trong cơ cấu ngành gỗ cả nước, qua đó góp phần quan trọng để xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước đạt mục tiêu 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 như Chính phủ đã đề ra. Ngành gỗ Bình Dương cũng sẽ tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đấu tranh với gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và hình ảnh của ngành chế biến gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng để tiếp tục có được kết quả tốt trong những năm tới, ngành gỗ cần phát triển được vùng nguyên liệu gỗ lớn. Đồng thời, cần hình thành được khu nguyên phụ liệu tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ nhằm tạo nên chuỗi liên kết, hình thành trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm cho toàn ngành. Đặc biệt, cần xây dựng phương án phát triển nguồn nhân lực. Đây là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, các DN thép đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ. Không chỉ mở rộng xuất khẩu, các DN trong ngành thực sự quan tâm tới hướng phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á (TP.Dĩ An), cho biết DN này dành nhiều quan tâm cho vấn đề “xanh hóa”. “Ngành thép Việt Nam hướng tới phát triển thép “xanh” trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu, DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để giữ vững và tăng thị phần. Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Công ty sẽ chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch”, ông Trung nói.
Các DN ngành thép mong muốn Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Ngoài ra, cơ quan Nhà nước hỗ trợ các DN trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam.
TIỂU MY