Ngành hàng xuất khẩu: Chủ động thích ứng, hướng tới giá trị cao hơn - Bài 2

Thứ năm, ngày 17/10/2024

(BDO) Bài 2: Liên kết cùng phát triển

 Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đối mặt với không ít thách thức trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, liên kết hỗ trợ cùng nhau phát triển là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

 Sản xuất gốm sứ tại Công ty TNHH Gốm sứ Phước Dũ Long

 Cần những phương án dự phòng

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Công thương cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương trong 9 tháng năm 2024 có nhiều khởi sắc, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực dần phục hồi. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn gặp khó khăn, nguyên nhân chính là do chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển còn ở mức cao, có xu hướng gia tăng...

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết hiện doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn có đơn hàng nhưng đa số đơn hàng có số lượng sản phẩm đặt hàng nhỏ, phía khách hàng lại yêu cầu trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, các DN tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá thấp, các loại chi phí tăng... Trong bối cảnh hiện nay, cần có thêm cơ chế, chính sách để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tài chính, lãi suất... giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long (TP.Tân Uyên), chia sẻ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay, nhất là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, đòi hỏi DN gốm sứ luôn phải đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh. Trong khó khăn chung, các DN cần có những phương án dự phòng để bảo đảm giữ nhịp xuất khẩu.

“Hiện nay, Phước Dũ Long được biết đến là thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam về gốm sứ sân vườn, xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp khó khăn khi lượng đơn hàng năm 2024 chỉ bằng khoảng 60% so với năm 2023. Thêm vào đó, thị trường các nước đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, do đó để hàng gốm sứ mỹ nghệ thâm nhập vào các thị trường khó tính, DN phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm… Để giữ vững sản xuất, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường, kết nối khách hàng trên thế gới nhằm nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường”, ông Vương Siêu Tín nói.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép Cơ khí Xây dựng Nhật Nam (TP.Bến Cát), cho hay từ đầu năm đến nay ngành gỗ có mức tăng trưởng cao nhưng đơn hàng của các DN không ổn định, có những DN có đơn hàng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng có DN chỉ bằng 50%. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ hồi phục nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc hàng hóa; đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng sản phẩm đặt hàng thấp hơn.

Đa dạng giải pháp

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, trước tình hình khó khăn chung hiện nay buộc DN phải thích ứng, liên kết để sản xuất, cùng chia sẻ thị trường, đơn hàng và cả kinh nghiệm. “Trước nhiều biến động, các DN ngành gỗ đang chủ động liên kết mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định…”, ông Nguyễn Minh Nhật nói

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đối với các DN ngành gỗ, thị trường B2B (quá trình giao dịch, buôn bán, kinh doanh thương mại giữa các DN) luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, nhiều DN đang từng bước mở rộng sang thị trường B2C (thương mại từ DN tới người tiêu dùng) nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ và giảm bớt sự phụ thuộc vào B2B. Nhằm hỗ trợ DN, BIFA vừa có buổi làm việc với đại diện sàn thương mại điện tử Wayfair - nền tảng thương mại điện tử số 1 tại Hoa Kỳ chuyên về hàng nội thất. Tại buổi làm việc, Wayfair mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu cho các DN ngành gỗ tại Bình Dương, mở ra xu hướng kinh doanh mới và hỗ trợ DN trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.

“Để hỗ trợ DN, Hiệp hội Da giày Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các quỹ tín dụng hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để DN có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại có chính sách cho các DN được cơ cấu nợ, gia hạn nợ để có thêm thời gian thanh toán các khoản vay”, bà Trương Thị Thúy Liên kiến nghị.

Về thách thức thiếu nguyên phụ liệu, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương ủng hộ phương án thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu có quy mô lớn tại Bình Dương. Trung tâm sẽ giúp ngành dệt may, da giày bước đầu gỡ được nút thắt về nguồn cung, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu trong khu vực và cả nước, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. “Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với việc thực hiện đề án chuyển đổi các DN khu vực phía nam lên khu vực phía bắc của tỉnh, chúng tôi sẽ ưu tiên triển khai các trung tâm nguyên phụ liệu phù hợp với định hướng phát triển vùng tại khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An”, ông Nguyễn Thanh Toàn thông tin. (còn tiếp)

 Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: Nếu được chấp thuận, Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên phụ liệu thành lập tại Bình Dương sẽ giúp DN nhỏ và vừa có cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất sang phân khúc có giá trị cao hơn, chủ động từ khâu thiết kế, mua nguyên vật liệu, sản xuất và giao hàng. Trung tâm cũng là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng nguyên liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất mặt hàng xuất khẩu, giúp rút ngắn thời gian DN tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu.

 TIỂU MY