Ngành gốm tăng cường đầu tư công nghệ
Ngành gốm sứ của Bình Dương tăng trưởng rất khả quan trong 6 tháng đầu năm nay, với tỷ lệ tăng trưởng là 7% so với cùng kỳ năm 2016. Gốm sứ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh Bình Dương. Để đạt được những kết quả này, có thế nói ngành gốm sứ đã rất năng động, linh hoạt, bám sát thị trường, chịu khó tìm tòi và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Giám đốc một doanh nghiệp gốm sứ tại TX.Tân Uyên chia sẻ, đầu tư công nghệ thay thế kiểu sản xuất cũ kỹ chính là quyết định sống còn của ngành gốm.
(BDO)
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long cho biết, đầu tư một hệ thống máy nung gốm, chất liệu đốt lò bằng điện hay gas có khi tốn cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, về mặt ưu điểm cho thấy công nghệ nung gốm mới hơn hẳn cách đun bằng củi, than truyền thống. Theo ông Tín, công nghệ nung gốm bằng điện và gas không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng men sản xuất tốt hơn, đồng đều hơn; bên cạnh đó sử dụng công nghệ mới còn tiết kiệm khá nhiều chi phí nhân công. Không riêng gì ngành gốm, các ngành công nghiệp khác của Bình Dương cũng đang trong quá trình thay đổi công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế và trình độ sản xuất chung của thị trường toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề cao vai trò công nghệ, Bình Dương đang là trung tâm công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Thay đổi công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến hơn chính là bài toán sống còn của mỗi doanh nghiệp trong xu thế chung hiện nay. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ sẽ len lỏi vào từng doanh nghiệp, nhà máy, ngành nghề… cho dù là nghề truyền thống như gốm sứ của Bình Dương cũng chịu sự tác động rất lớn của khoa học - công nghệ
HOÀNG PHONG