Ngành gốm sứ Bình Dương: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Thứ ba, ngày 12/02/2019

(BDO) Năm 2018, ngành gốm cả nước đạt giá trị xuất khẩu khoảng 450 triệu USD, trong đó gốm sứ Bình Dương đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của cả nước. Năm 2019 được nhận định thị trường xuất khẩu của ngành gốm sứ sẽ có nhiều thuận lợi khi thị trường Đông Nam Á được mở rộng


Sản xuất gốm sứ tại Công ty Cường Phát. Ảnh:
PHÙNG HIẾU

Nhộn nhịp đơn hàng đầu năm

Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương có đơn hàng đến ngày 27 tháng chạp, đơn cử như Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long phải giao tới 15 container hàng xuất khẩu cho đối tác. Thực tế này báo hiệu một năm mới bận rộn đối với các doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương.

Đại diện Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Bình Dương (TX.Thuận An), cho hay ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, công ty phải giao hàng đi Nhật Bản và Liên minh châu Âu với số lượng hàng chục container. Hiện công ty đang lo công nhân ngoài tỉnh vào làm việc trễ sẽ không kịp tiến độ giao hàng cho khách. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, phấn khởi cho biết đơn hàng tháng 1-2019 công ty đã giao cho khách trước Tết Kỷ Hợi. Sau tết, công ty có tới 70 container gốm sứ xuất sang thị trường Mỹ. Đó là chưa kể những hợp đồng mới sẽ phát sinh trong năm 2019.

Theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Cường Phát, hiện thị trường xuất khẩu chiếm tới 80% doanh thu của công ty. Những năm gần đây, gốm sứ Bình Dương luôn giữ mức tăng trưởng ổn định từ 10%/năm trở lên. Trong bối cảnh ngành gốm sứ cả nước chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc… mức tăng trưởng này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành gốm sứ trong nước.

Mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, thị trường Đông Nam Á chiếm khoảng 24% giá trị xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Mỹ 20%, Liên minh châu Âu hơn 16%, Nhật 16%. Nhu cầu thị trường Đông Nam Á tăng cao đã giúp các doanh nghiệp gốm sứ trong nước có thêm đầu ra ổn định hơn.

Ông Lý Ngọc Bạch cho biết, gốm sứ Bình Dương đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, giàu tính nghệ thuật. Từ các sản phẩm gia dụng như lu, khạp, chén, dĩa, bình hoa, bình trà… đến các loại gốm sứ mỹ nghệ như hình các loại thú dùng trang trí trong nhà, các loại trang sức dùng làm quà lưu niệm đều được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã, chủng loại, chất lượng. Những năm qua, gốm sứ đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, với những thương hiệu nổi tiếng như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Đây là lợi thế rất lớn của ngành gốm sứ Bình Dương. Hiện nay, việc cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đang được các doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu chuyển sang mô hình sản xuất hiện đại. Trên địa bàn tỉnh hiện có những công ty gốm sứ lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có thể kể đến như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long…

Theo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, tuy đã qua thời hoàng kim nhưng hiện ngành gốm sứ vẫn nằm trong tốp 20 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hiện nay, ngành gốm sứ của Bình Dương đạt giá trị xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm, thị trường nội địa khoảng 70 triệu USD/năm. Thị trường gốm sứ tỉnh nhà đang có sự hài hòa giữa thị trường xuất khẩu và nội địa. Đây là điều làm cho các doanh nghiệp gốm sứ an tâm để tiếp tục giữ lửa cho nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi của Bình Dương. Điều các doanh nghiệp gốm sứ cần làm hiện nay chính là nắm bắt kịp thời thị hiếu tiêu dùng, đa dạng mẫu mã, chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển ổn định, lâu dài trong thời gian tới.

XUÂN VĨ