Ngành gỗ: Tăng cường liên kết cùng phát triển
(BDO) Trong 9 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ngành gỗ đang nỗ lực về đích sớm mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm nay.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Gỗ Lâm Việt. Ảnh: P.HIẾU
Xuất khẩu tăng trưởng cao
Chỉ trong tháng 9-2019, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ cả nước ước đạt 890 triệu USD, tăng 22,7% so với với cùng kỳ 2018. Tính chung 9 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng này ước đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng đến 32% với giá trị đạt 3,7 tỷ USD, Nhật Bản tăng 15,7% với giá trị đạt 1,03 tỷ USD...
Ngành gỗ Bình Dương chiếm tỷ trọng hơn 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), gần 90% giá trị xuất khẩu gỗ của tỉnh đến từ các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Lâm Việt (TX. Tân Uyên), cho biết để đáp ứng các đơn hàng từ những thị trường lớn, có giá trị cao, công ty đang đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ 4.0. Cùng với đó, nhằm chủ động nắm bắt các cơ hội mới và bảo đảm phát triển bền vững, công ty đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng...
Theo BIFA, Bình Dương đang trở thành trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn của khu vực. Ngành gỗ của tỉnh không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do ngành đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài rót vốn lĩnh vực này.
Chủ động liên kết để giảm thiểu thách thức
Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Gỗ Mtrade, chia sẻ nhập khẩu sản phẩm gỗ của Mỹ từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) ngoài Trung Quốc đang tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao. Rõ ràng hiện đang là thời cơ tốt cho ngành gỗ cả nước.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng năm 2019 tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ tăng gần 1,2 lần so với năm 2018. Kết quả này cho thấy ngành gỗ đang hút mạnh vốn đầu tư. |
Tuy nhiên, ngành gỗ trong nước vẫn còn không ít thách thức. Cụ thể, sự tăng trưởng nhanh ở thị trường Mỹ sẽ khiến quốc gia này áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, cũng như nguy cơ Trung Quốc “mượn” nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các dự án đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng các dự án này. Theo đó, Việt Nam có nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho biết ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang có cơ hội lớn để xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Điều cần thiết chính là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ cùng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đang tăng nhanh, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.
Thực tế cho thấy, đã có tình trạng các nhà máy chế biến gỗ trong nước được mua bằng vốn của doanh nghiệp nước ngoài dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất đi Mỹ. BIFA kiến nghị cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể về những rủi ro trong các dự án đầu tư nước ngoài đối với những sản phẩm xuất khẩu, như việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp…
Nhà nước cũng cần đánh giá kỹ các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ. Bởi thực chất, có không ít doanh nghiệp nước ngoài chỉ lấy giấy phép đầu tư để thuê thiết bị, nhà xưởng và nhân công Việt Nam sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ - đang chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước.
PHÙNG HIẾU