Ngành gỗ: Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu
(BDO) Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua. Tuy vậy, các ngành chức năng, địa phương, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển phù hợp.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Tường Văn (Bắc Tân Uyên) Ảnh: XUÂN THI
Duy trì đà tăng trưởng cao
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết năm 2019, ngành gỗ đang hướng đến xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, đạt chỉ tiêu đặt ra tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, ngoài việc tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, đầu tư chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, doanh nghiệp còn phải mở rộng thị phần xuất khẩu.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu dồi dào, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao. Đây chính là điều kiện để trong 10-15 năm tới, Việt Nam có thể sẽ trở thành nơi sản xuất đồ gỗ lớn trên thế giới.
“Trong năm 2020, dự báo nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng khoảng 3,5%, thương mại đồ gỗ tăng 4%. Nếu doanh nghiệp đầu tư bài bản thì khả năng mở rộng thị phần rất cao, qua đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp, trong đó có Hiệp gội Chế biến gỗ Bình Dương”, ông Công nhấn mạnh.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành gỗ có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam, do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Giai đoạn 2010-2018, ngành lâm sản của cả nước tăng trưởng bình quân trên 13%/năm. Chỉ tính 11 tháng năm 2019, xuất khẩu của ngành này đạt 10,29 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất siêu đạt 7,066 tỷ USD, bằng cả năm 2018. |
Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng vẫn còn cónhững thách thức cho ngành gỗ khi mô hình tăng trưởng chưa tạo được sự phát triển về chiều sâu; nguồn cung nguyên liệu chưa thực sự được bảo đảm; yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ… “Những thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần nhạy bén trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển sao cho phù hợp. Đặc biệt, cần chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, đồng thời cũng mở rộng thị phần tại một số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ...”, ông Hiệp nói.
Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc, cho biết tại thị trường nội địa công ty đang cung cấp dòng sản phẩm nội thất cao cấp. Ông kỳ vọng trong tương lai gần người tiêu dùng trong nước sẽ nói không với gỗ rừng tự nhiên bất hợp pháp. Theo khảo sát, sản phẩm gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 6% thị phần thế giới. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển sâu hơn để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ vào năm 2030.
Đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế nội thất Việt Nam năm 2019, đang diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, triển lãm được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, trao đổi, hợp tác. Qua đó góp phần chia sẻ kinh nghiệm nhằm cải tiến sản xuất, bảo đảm năng suất và chất lượng, quan tâm bảo vệ môi trường; hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững, ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Dự kiến, trong năm 2019, ngành gỗ của tỉnh xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD. Tỉnh luôn quan tâm, định hướng để lĩnh vực khai thác, sản xuất sản phẩm gỗ bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Theo ông Richard Hames, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Center for the Future (Australia), những căng thẳng thương mại và những yếu tố làm gia tăng căng thẳng này, đặc biệt tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra gây ra nhiều quan ngại cho việc phát triển kinh tế tại châu Á và toàn cầu. Tuy nhiên, các bên đang hướng đến sự thỏa thuận. Chỉ khi làm chủ được tình hình thị trường và hướng đến tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp, nền kinh tế các nước ASEAN thì mới giữ vững sự phát triển ổn định.
TIỂU MY