Ngành gỗ nắm bắt cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu

Thứ ba, ngày 29/03/2022

(BDO)  Để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã nỗ lực, sáng tạo, nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (TX.Tân Uyên)

Chủ động thích ứng

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện tại nhiều DN gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II-2022, thậm chí có DN đơn hàng đến tháng 9-2022. Các nhà máy chế biến gỗ đang gia tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các DN chế biến gỗ của Bình Dương đang tập trung vào dòng sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao và thị trường mục tiêu, với kỳ vọng thị trường Mỹ và EU có thể tăng đơn hàng trong năm 2022 do sức mua trên các thị trường này đang phục hồi tốt.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, cho biết DN ngành gỗ đã và đang nỗ lực, sáng tạo đổi mới công nghệ sản xuất, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.

Thông thường, quý I hàng năm là thời gian cao điểm các DN tăng tốc chuẩn bị mọi mặt để đáp ứng đơn hàng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới các DN gỗ vẫn đang chật vật vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng cao đang khiến các DN chế biến gỗ xuất khẩu đang rất khó khăn. “Giá nguyên liệu gỗ năm 2021 đã tăng khoảng 20%. Từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng thêm 20%, như vậy chỉ hơn 1 năm mà giá nguyên liệu gỗ đã tăng 40% và chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Thanh cho biết thêm.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Nga để đáp ứng yêu cầu của khách hàng đang bị “tắc”. Để không bị thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu, các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm kiếm từ nhiều thị trường khác, cụ thể là từ các nước Đông Âu khác hoặc khu vực lân cận nhưng phải chấp nhận giá cao. Các DN cũng có thể nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, song phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều.

Tuy khó khăn trước mắt là điều khó tránh khỏi song DN kỳ vọng xuất khẩu với chiều hướng tích cực, chuỗi cung ứng của ngành gỗ trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng được đơn hàng. “Phần lớn DN đều có đơn hàng xuất khẩu cho đến giữa năm nay. Các nhà chế biến gỗ của châu Âu đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ Nga, dẫn đến sức cạnh tranh giảm sút đáng kể. Đây là cơ hội cho DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào thị trường này. Để ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao, công ty đã đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc một thị trường cụ thể. Chúng tôi cũng có kế hoạch dự trữ nguyên liệu dài hơi để tránh rủi ro và đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để kịp thời thích ứng”, bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Chế biến gỗ Đức Thành (TX.Tân Uyên) cho biết.

Chuyển đổi số, đầu tư thiết kế

Trải qua 2 năm dịch bệnh, với sự đầu tư bài bản, DN nội thất Bình Dương đang dần tự tin hơn trong việc phát triển thiết kế mẫu mã sản phẩm, chuẩn bị cho việc dịch chuyển từ OEM (sản xuất theo thiết kế của thương hiệu khác) sang ODM (đảm nhiệm thiết kế, sản xuất theo yêu cầu). Ngoài việc sản xuất, thi công các không gian nội thất, ngành gỗ đã và đang nỗ lực theo đuổi việc xây dựng những thương hiệu nội thất cao cấp, mang ra thị trường thế giới. “Hành trình chinh phục giá trị ODM của DN Việt Nam hiện thuận lợi hơn rất nhiều, khi có thêm quyết tâm đầu tư phát triển công nghệ và chuyển đổi số từ phía DN. Không chỉ nâng cao năng lực sản xuất bằng các thiết bị công nghệ, độ chính xác cao, chuyển đổi số từ phía DN nội thất ghi nhận việc ứng dụng công nghệ, cải tiến máy móc, công nghệ vào vận hành kinh doanh, công tác thiết kế, tương tác với khách hàng”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Ông Liêm cũng thông tin, 5 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam, trong đó có BIFA đã nhất trí ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 - 20 tỷ đô la Mỹ. Các hiệp hội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và trong nước, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu ngành gỗ Việt Nam. Cùng hợp tác, liên kết hình thành và phát triển một khu công nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương đề ra những định hướng và giải pháp hiệu quả, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, loại bỏ những doanh nghiệp gian lận, làm ăn phi pháp.

 Theo số liệu của Sở Công thương, Bình Dương hiện có 1.215 DN chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong đó DN trong nước có 905 với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng, DN có vốn đầu tư nước ngoài 310 với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ đô la Mỹ. Ngành chế biến gỗ Bình Dương là một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực của tỉnh, sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Với những lợi thế đó, ngành chế biến gỗ Bình Dương luôn giữ được thị trường xuất khẩu ổn định, đặc biệt là các thị trường tr uyền thống như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, ngoài ra còn phát triển thêm được các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…

 TIỂU MY - CẨM TÚ