Ngành gỗ chuẩn bị cho “đường đua” thế giới

Thứ sáu, ngày 23/04/2021

(BDO) Hơn một năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành gỗ đã có những bứt phá, đạt mức tăng trưởng khá cao. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) gỗ đang chuẩn bị tham gia vào cuộc chạy đua xuất khẩu với sản phẩm gỗ thế giới.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên mở rộng)

 Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Suốt năm 2020 và quý I-2021, trong khi nhiều mặt hàng vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu thì ngành gỗ lại khá thuận lợi với việc tìm đơn hàng mới. Đến nay, thông qua trao đổi trực tuyến và Thương vụ Việt Nam ở các nước, nhiều tập đoàn nước ngoài nỗ lực tìm nguồn cung sản phẩm gỗ tại Việt Nam. Qua đó, nhiều DN gỗ trong nước đã ký kết được hợp đồng với khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Quý I-2021, ngành gỗ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, trở thành một trong 6 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt tương đương 20% tổng kim ngạch của cả năm 2020. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu 14 - 14,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được. Tại Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu gỗ quý I-2021 ước đạt 1.567 triệu USD, tăng 51,5% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 551 triệu USD, tăng 38,8% so với tháng trước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hà Công Tuấn đánh giá các DN ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các DN ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng. “Năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, ngành gỗ đã vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng khá cao. Các DN tái cơ cấu thành công, trong kim ngạch xuất khẩu của ngành có 70% là sản phẩm gỗ hoàn thiện dùng cho nội thất. Các DN đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, vững bước trên đường đua thế giới với sản phẩm cùng loại, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Theo các DN, nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài chọn ngành gỗ Việt Nam nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam hiệu quả. Các DN ngành gỗ đầu tư công nghệ hiện đại, lao động có trình độ tay nghề cao, có thể hoàn thành các đơn hàng lớn, mẫu mã phức tạp. Thêm vào đó, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, hàng hóa sản xuất, xuất khẩu vào các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Kết nối thị trường

Ông Phước Bội Quyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên mở rộng), cho hay công ty chuyên sản xuất bàn ghế, tủ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng ổn định, đầu ra lớn, công ty đã nhận đơn đặt hàng đến hết năm 2021. Thị trường xuất khẩu gỗ năm nay sáng sủa hơn so với năm trước, song phía các DN Việt Nam cũng rất nỗ lực để đề phòng rủi ro. Hiện nhiều DN ngành gỗ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi cao về mẫu mã và chất lượng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm nặng nề, nhưng ngành gỗ vẫn phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá là do DN đã có những nỗ lực, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Thời gian qua, ngành công thương đã tăng cường hỗ trợ các DN kết nối giao thương trực tuyến, không để bị đứt đoạn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) khẳng định trong khu vực châu Á, Việt Nam, Bình Dương đã trở thành điểm đến lý tưởng của những nhà mua hàng quốc tế. Năm 2021, xu hướng tiêu dùng nội thất toàn cầu sẽ tăng cao, cần tăng cường quảng bá, kết nối, DN sẽ có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu, cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế.

Theo các DN, tham gia hội chợ trực tuyến là cơ hội để kết nối dễ dàng với nhà mua hàng nước ngoài mà không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, mở ra cơ hội giao thương sâu rộng và bền vững. Đồng thời, qua tham gia hội chợ trực tuyến, DN còn cập nhật những công nghệ hiện đại, tiên tiến, tự động hóa, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tìm kiếm nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu đa dạng, dồi dào từ các thị trường cho DN gỗ Việt Nam.

Hiểu rõ tính cạnh tranh trong thương mại điện tử là rất lớn, các DN số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng... Trên nền tảng công nghệ, BIFA đã hỗ trợ cho các DN trong ngành mô hình và cách thức tổ chức kết nối giao thương, ứng phó những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội để DN gỗ thúc đẩy doanh thu, kết nối lâu dài với những thị trường tiềm năng, chủ lực.

 TIỂU MY