Ngành gỗ chủ động xúc tiến thương mại, tìm cơ hội phát triển

Thứ ba, ngày 05/03/2024

(BDO) Những tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) ngành gỗ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Các DN tận dụng tốt cơ hội xúc tiến thương mại để tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới.

Đơn hàng đã trở lại

Kết thúc tháng 1-2024, theo thống kê của Bộ Công thương, xuất khẩu gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 72,5% so cùng kỳ năm 2023. Đối với các DN xuất khẩu gỗ, đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường đang hồi phục trở lại. Tại Bình Dương, theo số liệu sơ bộ của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 447 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 18,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo đánh giá của các DN ngành gỗ, đây là kết quả tích cực trong điều kiện cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Tuy vậy, so với thời điểm trước, xuất khẩu gỗ giờ đã khác, không còn đơn hàng ký theo năm mà DN làm theo mẫu, giao ngắn hạn và quan trọng là phải chủ động tìm kiếm khách hàng.

Ngành gỗ nỗ lực phát triển công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường khó khăn. Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham dự Hội chợ máy móc ngành gỗ năm 2023 tại Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY

Chỉ ra thêm về vấn đề này, bà Dương Tú Trinh, Giám đốc Nhà máy Chế biến Gỗ Thượng Nguyên (TP.Tân Uyên) cho biết, gần đây dấu hiệu lạm phát ở Mỹ, thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam đã bớt gay gắt hơn. Thêm vào đó, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy trước đại dịch tới nay đã bán gần hết và họ sẽ quay vòng để đặt hàng trở lại trong năm 2024, đặc biệt là quý III năm nay. Tại Công ty TNHH Gỗ Đức Thiện (TP.Tân Uyên), nơi bà Dương Tú Trinh đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc, hiện DN đã có đơn hàng đến tháng 6-2024. Với những diễn biến hiện tại, công ty dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP.Thuận An): “Đầu ra của sản phẩm gỗ vốn đã khó nay lại càng khó hơn. Điều quan trọng với DN lúc này phải thận trọng, bình tĩnh để đưa ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả. Cước phí là vấn đề mà những DN gỗ đang quan tâm hiện nay. Cước tàu biển đi châu Âu, Mỹ cũng đã tăng trên 200% so với trước, có những hợp đồng vận chuyển tăng từ mức 1.000 đô la Mỹ/ container lên 4.000 đô la Mỹ/container 40ft, trong khi đó cả 2 thị trường này đều là thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt Nam. Một thách thức khác là thời gian giao hàng đang kéo dài hơn trước đây và số container quay lại cũng khan hiếm”.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP.Thuận An) cho biết, so với năm ngoái, hiện các đơn hàng cho quý I-2024 của DN đã ổn định hơn. Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu gỗ vẫn phải đối diện với những tồn tại nối tiếp của năm 2023 như xung đột chính trị, chiến tranh… Hiện nay, sự gián đoạn của vận tải đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu, Mỹ.

Trước tình hình này, các DN ngành gỗ đã và đang kiện toàn bộ máy, tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, dù khó vẫn phải dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, song song đó thực hiện truyền thông cho người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm cùng DN phát triển.

Ông Tạ Thanh Hội, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Hiệp Tiến (TP. Tân Uyên), cho biết công ty chuyên sản xuất, gia công đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn, ghế sử dụng 100% gỗ cao su, chuyên cung cấp cho thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu. Trong khó khăn chung của ngành gỗ, công ty vẫn nỗ lực sản xuất cùng với việc đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Trước tình hình khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất của toàn cầu, lãnh đạo công ty đã nhanh chóng nhận định và có những giải pháp thích nghi nhanh. Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời đàm phán giảm giá cho các khách hàng trong nước trước đây để duy trì sản xuất. Công ty kết nối với các DN xuất khẩu lớn, nhận được nhiều đơn hàng như Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương, Công ty TNHH Ván ghép Sudima…” ông Tạ Thanh Hội cho biết.

Chủ động tham gia hội chợ, triển lãm

Đơn hàng hiện khác trước rất nhiều, chính vì thế DN không còn xuất khẩu ồ ạt số lượng lớn mà thay vào đó DN tập trung vào hàng mẫu để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo bà Dương Tú Trinh, trong bối cảnh hiện nay, các DN đều có chung nhận định rằng, một trong những việc cấp thiết cần chú trọng đó chính là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống. Do đó, công tác xúc tiến thương mại cho ngành gỗ thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như quốc tế là rất cần thiết.

Các DN gỗ Bình Dương cần tăng cường tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành để kết nối, tìm cơ hội phát triển

Cũng theo bà Dương Tú Trinh, tham gia hội chợ khá tốn kém, khó mà định lượng được bao nhiêu phần trăm lợi nhuận thu được từ các hội chợ. Tuy nhiên, nếu gặp một khách hàng mới và họ thích các sản phẩm trưng bày, kết quả thu được sẽ không ngờ. Nếu khách hàng đó tiếp tục giới thiệu bạn cho bạn hàng khác thì thật lý tưởng. “Thế nhưng hiện nay, việc tổ chức đoàn tham dự hội chợ trong nước và nước ngoài vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể số lượng DN tham gia hội chợ chưa nhiều, chủ yếu tập trung trong tỉnh, chưa có cơ hội tiếp cận được thị trường các vùng, miền khác, nhất là thị trường nước ngoài. Đó là chưa kể, rất nhiều DN quá chú trọng đến doanh số bán hàng tại hội chợ mà coi nhẹ mục tiêu dài hơi hơn là tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng”, bà Dương Tú Trinh phân tích.

Đồng quan điểm này, ông Điền Quang Hiệp cũng cho biết việc tham gia các hội chợ là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất cho DN, nhất là trong thời điểm thị trường hiện nay. Qua các hội chợ ngành gỗ đã tìm được khách hàng, đi đến ký kết những hợp đồng. Thêm vào đó việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp DN cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp.

TIỂU MY