Ngành gỗ chờ “bệ phóng” nguyên liệu

Thứ hai, ngày 13/08/2018

(BDO) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đưa ra chỉ tiêu với ngành gỗ, là năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Doanh nghiệp gỗ lạc quan

Năm 2017, chế biến gỗ là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh, đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trong tỉnh đạt gần 1,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ luôn được duy trì ở mức từ 8 - 15%/năm; nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu USD thì năm 2017 đạt 8 tỷ USD. Chặng đường hơn 20 năm phát triển ngành gỗ cho thấy sự cải thiện đáng kể của ngành gỗ nước nhà. Đó là lý do để Thủ tướng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ vào năm 2025 là 25 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất tại một công ty gỗ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: XUÂN VĨ

Đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), bày tỏ phấn khởi khi uy tín gỗ “made in Bình Dương” đang được khẳng định trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Khu vực thương mại tự do ASEAN giúp ngành gỗ dần mở rộng thị trường. Cùng với đó, theo chu kỳ hàng năm, trong nửa cuối năm, nhu cầu sửa chữa thay thế các sản phẩm nội thất tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng là yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở TX.Thuận An cho biết, hiện nay thời cơ cho ngành gỗ cả nước rất lớn nhưng thách thức cũng không ít; thị trường mở rộng hơn đòi hỏi nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định hơn. Theo đó, đối với gỗ khai thác trong nước, các doanh nghiệp trong nước phải loại trừ được gỗkhai thác bất hợp pháp như: Gỗ cónguồn gốc từrừng chuyển đổi bất hợp pháp, gỗkhai thác lậu từcác khu vực cấm, gỗtừcác khu vực nội chiến, gỗtài trợcho chiến tranh... Điều này rất quan trọng bởi các thị trường truyền thống chủ lực như Liên minh châu Âu, Mỹ... đang có những yêu cầu rất khắt khe về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn sự đa dạng sinh học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2017 toàn ngành gỗ đã sử dụng gần 420 ngàn lao động. Dự báo đến năm 2020, tổng sản phẩm của ngành đạt khoảng 13,34 tỷ USD; năng suất bình quân khoảng 25.000 USD/ người/năm.

Thời gian qua, nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ trong nước đã kích thích việc trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Thực tế cho thấy, từ những giải pháp trồng rừng của nhà nước tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 39,7% năm 2011 tăng lên 41,45% năm 2017; tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước tính theo khối lượng tăng từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017; tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm từ 64% xuống còn 45%. Tuy vậy, để nguồn nguyên liệu luôn dồi dào phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 25 tỷ USD vào năm 2025, ngành chức năng và doanh nghiệp gỗ còn rất nhiều việc phải làm. Thời gian qua, BIFA đã kiến nghị Chính phủ xem xét cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ thô... để giữ vững nguồn nguyên liệu trong nước; bên cạnh đó cần có thêm các chính sách khuyến khích, ưu đãi trồng vùng nguyên liệu gỗ cho tương lai…

Theo các chuyên gia, trước đây ngành gỗ trong nước lãng phí rất nhiều nguyên liệu từ cây lâm nghiệp, chẳng hạn như cành, gốc, vỏ và các mảnh gỗ vụn thường bị bỏ đi, hiện các phế phẩm này được tận dụng làm nguồn nguyên liệu. Tuy vậy, muốn khai thác tối đa nguồn phế phẩm này các doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo. Việc làm này sẽ giúp gia tăng giá trị cho mỗi ha rừng trồng nguyên liệu, tăng thu nhập cho người trồng rừng và giảm giá thành nguyên liệu.

Hiện nay, trong cả nước có một số doanh nghiệp tham gia và đầu tư trồng rừng đang vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, khi đầu tư 1.000 ha rừng doanh nghiệp phải đóng thuế đất cho chu kỳ 5 năm là 32 triệu đồng/ha, nghĩa là doanh nghiệp sẽ mất khoảng 32 tỷ đồng cho 1.000 ha trồng rừng - một số tiền đầu tư lớn không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng để duy trì thuê đất rừng trong hàng chục năm... Nhiều ý kiến cho rằng, để các tỉnh nằm trong vùng nguyên liệu giao đất trồng cho người dân cùng tham gia, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định.

Các chuyên gia cho rằng, xu thế phát triển của bất cứ ngành nào đều dựa vào nguồn lực tại chỗ. Chính vì thế, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ sẽ giữ vai trò rất quan trọng cho mục tiêu đạt 25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của gỗ cả nước vào năm 2025.

XUÂN VĨ