Ngành gỗ Bình Dương: Nhiều thách thức trong hội nhập
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành gỗ Bình Dương tiếp tục thể hiện sức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành gỗ đang đứng trước nhiều thách thức, cần phải thay đổi để phát triển bền vững…
(BDO)
Chưa có nhiều bứt phá
6 tháng đầu năm 2018, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) đạt khoảng 85% kế hoạch năm 2018. Đây là mức tăng trưởng ổn định, ngang bằng so với năm 2017. Một tín hiệu vui khác, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DN trong hiệp hội đã ký được hợp đồng sản xuất, xuất khẩu đến tháng 9-2018 như Công ty sản xuất thương mại XNK Thanh Hoàng Lâm, Công ty TNHH Minh Phát 2…
Sản xuất gỗ tại Công ty gỗ Trường Văn, Bắc Tân Uyên. Ảnh: XUÂN THI
Theo thông tin từ BIFA, dự ước cả năm 2018, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong hiệp hội vẫn ổn định và bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Đến nay, đơn hàng từ các khách hàng lâu năm vẫn ổn định. Một điểm tương đối thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ hiện nay là vấn đề mở rộng thị trường. Theo số liệu từ BIFA, thị trường xuất khẩu hiện nay chủ yếu của các DN trong hiệp hội bao gồm Mỹ (chiếm 40 %), EU (chiếm 20%), Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm 10%). Khả năng phát triển của các thị trường mới tương đối lớn với các DN địa phương và hiện cũng đang có xu hướng phát triển thêm các đơn hàng từ các thị trường mới.
Đặc biệt ngành gỗ của Bình Dương đang có thuận lợi lớn về cung cầu tại thị trường Canada. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê Canada, trong những tháng đầu năm 2018, nước này nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Việt Nam. Và nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất nước này giảm sản xuất trong nước do không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn. Đây được xem là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong đó có các DN gỗ Bình Dương đẩy mạnh xuất khẩu vượt qua con số 12,9% tổng kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này.
Tuy tăng trưởng ổn định nhưng theo các DN gỗ Bình Dương thì rất ít có sự đột phá. Lý giải nguyên nhân của sự không bứt phá này, các DN cho rằng hiện nay chủ yếu các đơn hàng đến từ nước ngoài, làm theo sự đặt hàng của các thương hiệu lớn nên 90% nguyên liệu chính phải nhập khẩu, nguyên phụ liệu trong nước hiện nay chỉ chiếm 10%. Sự lệ thuộc nguồn nguyên liệu này khiến nhiều DN không chủ động trong việc nhận các đơn hàng, hay tăng tỷ lệ nội địa nguồn nguyên phụ liệu.
Cần hỗ trợ để phát triển bền vững
Tại buổi làm việc với Sở Công thương gần đây, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA đã nêu ra nhiều vấn đề khó khăn của DN cần được hỗ trợ, nhất là các khó khăn của DN nhỏ và vừa trong ngành. Một thách thức dễ nhận ra hiện nay của DN gỗ là biến động về lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình lao động của các DN trong hiệp hội có biến động tương đối lớn. Có những công ty biến động lao động đến 20%. Với xu thế sử dụng máy móc thay lực lượng lao động, đòi hỏi chất lượng lao động phải được tăng lên nhưng nhìn chung lao động ngành gỗ địa phương vẫn đang thiếu hụt lớn. Bởi vậy, DN mong muốn được các ngành hỗ trợ cả về đào tạo năng lực, chuyên môn, cũng như các kênh tuyển dụng thật sự hiệu quả hỗ trợ cho các DN hội viên.
Thêm vào đó là khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu do giá nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017) khiến các DN gỗ cũng khó khăn hơn trong việc hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. DN ngành gỗ kỳ vọng, chính sách từ Chính phủ sẽ hỗ trợ được cho các hộ trồng cây nguyên liệu trong quá trình trồng. Thứ đến, là vấn đề về đấu thầu gỗ cao su nguyên liệu của DN nhỏ và vừa. Đại diện BIFA cũng cho rằng các DN nhỏ trong ngành gỗ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, máy móc thiết bị đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy quỹ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nên hỗ trợ tập trung vào các chương trình lớn nhằm đạt được nhiều kết quả hơn.
Một vấn đề rất lớn được DN gỗ hết sức trăn trở để phát triển bền vững là vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch BIFA cho rằng: Ngành gỗ Bình Dương muốn phát triển bền vững thì phải có thương hiệu, có sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đa phần hiện nay các DN đều làm theo các đơn hàng gia công cho các thương hiệu khác. Thêm vào đó hiểu biết về sở hữu trí tuệ ngành gỗ của DN còn nhiều hạn chế. Ông cũng mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ vấn đề vốn để đầu tư thiết kế, nhân lực, cũng như đầu tư về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
TIỂU MY