Ngành gỗ Bình Dương: Linh hoạt hóa giải rào cản xuất khẩu
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Năm 2025, ngành gỗ và lâm sản cả nước được giao nhiệm vụ xuất khẩu đạt trên 18 tỷ đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của cả nước. Đối với ngành gỗ của Bình Dương, nơi đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đang nỗ lực thực hiện các giải pháp xuất khẩu ngay từ đầu năm.
Cơ hội đan xen thách thức
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng xuất khẩu quý I-2025, chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu. Đánh giá về kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 của Bình Dương, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết ngành gỗ của Bình Dương đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành gỗ cả nước. Bình Dương đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của cả nước. Các DN ngành gỗ của Bình Dương cũng tích tực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng quy định của các thị trường lớn. Với kết quả đã đạt được, cùng sự nỗ lực của ngành chức năng, DN, kỳ vọng ngành gỗ của Bình Dương sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, nhận định năm 2025 Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của ngành gỗ. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam; đối với ngành gỗ của Bình Dương, thị trường này chiếm 50% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2025 xuất khẩu của ngành gỗ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, chính sách thương mại của các nước, năng lực cạnh tranh của DN ngành gỗ…
Tuy vậy, theo ông Huỳnh Quang Thanh, năm 2025 Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) tiếp tục mang lại lợi thế về thuế quan, mở rộng cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ. Ngành gỗ cũng đang mở rộng thị trường xuất khẩu mới như UAE, Ấn Độ.
Linh hoạt thích ứng
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng việc thực hiện tốt giải pháp tăng trưởng xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ, là “chìa khóa” cho ngành gỗ xuất khẩu bền vững trong dài hạn, bởi hiện nay các thị trường xuất khẩu chính, cụ thể như Liên minh châu Âu, thực thi quy định chống phá rừng (EUDR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính, ngành gỗ cần quan tâm bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, đầu tư vào vùng nguyên liệu...
Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết các thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu đang ngày càng thắt chặt các quy định về nguồn gốc, xuất xứ và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng gỗ. Họ yêu cầu sản phẩm phải có chứng chỉ bền vững như FSC (chứng chỉ của Hội đồng Quản lý rừng, một tổ chức quốc tế, phi chính phủ), PEFC (bộ tiêu chuẩn rừng bền vững quốc tế) và các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Điều này đặt ra áp lực lớn cho DN trong việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và quy trình sản xuất để thâm nhập và duy trì sự hiện diện tại các thị trường này.
‘‘ Trong thời gian tới, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động ngành gỗ. Hiện nay, các vị trí yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như thiết kế, vận hành máy móc hiện đại trong ngành gỗ vẫn còn thiếu hụt, ảnh hưởng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”. (Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương) |
TIỂU MY