Ngành gỗ Bình Dương đẩy mạnh liên kết

Thứ năm, ngày 16/03/2017

Với khoảng 600 doanh nghiệp (DN) gỗ đang hoạt động trên địa bàn, Bình Dương là một trong những tỉnh xuất khẩu gỗ lớn của cả nước. Để tăng sức cạnh tranh, các DN gỗ trên địa bàn tỉnh đang tạo ra những mối liên kết nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

(BDO)

 Ngành gỗ của Bình Dương đang đẩy mạnh liên kết. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần gỗ Thuận An. Ảnh: BẢO ANH

 Đứng riêng lẻ khó cạnh tranh

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, xu thế hội nhập toàn cầu buộc các DN phải tính toán việc liên kết. Sự cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường truyền thống đang diễn ra khá gay gắt đối với những nước xuất khẩu gỗ hàng đầu trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Trong khi đó, hầu hết các DN gỗ tại Bình Dương thuộc loại vừa và nhỏ, đứng đơn lẻ trong bối cảnh hội nhập chính là DN tự làm khó mình. BIFA hiện đang mở rộng hội viên, từ những DN chuyên sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, cung cấp các nguyên phụ liệu ngành gỗ… cho tới các dịch vụ ngân hàng, logistics, vận tải…

Năm 2017 được các chuyên gia dự báo ngành gỗ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng 2,2% khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực thi các chính sách bảo hộ, cho nên khả năng việc xuất khẩu qua thị trường này sẽ gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 1%, còn Liên minh châu Âu mức tăng trưởng của ngành gỗ chỉ ở mức 2%...

Theo lãnh đạo một DN gỗ ở TX.Tân Uyên, trong năm nay nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu đang dần xuất hiện rõ nét và nguồn vốn vay, đặc biệt là đồng ngoại tệ dự kiến sẽ là điểm vướng mắc của các DN. Bên cạnh đó, chi phí cho hoạt động liên quan tới logistics cũng đang ở mức khá cao. Do vậy, việc các DN phải liên kết với nhau để huy động sức mạnh trên thị trường chính là cách giúp DN giải quyết được nhiều khó khăn.

Liên kết để tạo sức mạnh trên thị trường

Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mtrade (TX.Thuận An) cho biết, hiện nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới rất lớn, khoảng 240 tỷ USD/năm. Năm 2017, ngành gỗ cả nước đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, 2 giải pháp lớn đã được ngành đề ra là: Chọn ưu tiên phát triển cho mặt hàng ván nhân tạo, vì mặt hàng này hoàn toàn sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Nhiều DN trong nước cũng đủ điều kiện, công nghệ để sản xuất sản phẩm này. Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu theo hướng chuyển sang các thị trường mới nhưng có tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… Như vậy, về chiến lược chúng ta đã có, việc còn lại của các DN là cần liên kết lại với nhau để tạo sức mạnh trên thị trường thế giới.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, lợi ích khi liên kết là tập hợp được sức mạnh của các DN vốn đang hoạt động nhỏ lẻ. Thời gian qua, BIFA không bỏ lỡ đơn hàng lớn nào chính nhờ vào sự liên kết chặt chẽ giữa các DN thành viên. Nhờ đó các chương trình tư vấn đào tạo luôn được hiệp hội xúc tiến kịp thời để bổ trợ lẫn nhau cho các DN; những khó khăn của DN cũng được giải quyết kịp thời thông qua phản ánh của hiệp hội lên các cấp, các ngành liên quan. Thậm chí ngay khi công nghệ mới nhất ra đời phục vụ ngành gỗ cũng được các DN san sẻ cho nhau, nhờ đó ngành gỗ của Bình Dương nhiều năm qua vẫn giữ vai trò quan trọng của ngành gỗ cả nước.

Lãnh đạo BIFA cho biết thêm, hình thức liên kết của các DN hiện nay rất đa dạng, tương tác lẫn nhau: Có đơn hàng gỗ sẽ kéo theo đơn hàng đinh ốc, sơn, máy móc... (phụ trợ ngành gỗ); giữa DN gỗ với nhau cùng tham gia hoặc chia sẻ nhau những đơn hàng lớn để cho kịp tiến độ thời gian... Trên bình diện lớn hơn, hiện BIFA có quan hệ mật thiết với các hiệp hội gỗ, chế biến lâm sản trong và ngoài nước.

 XUÂN VĨ