Ngành gỗ Bình Dương: Cần chuỗi liên kết bền vững

Thứ tư, ngày 27/05/2015

(BDO) Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt 8 tỷ đô la Mỹ. Trong năm 2014, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt 6,23 tỷ đô la Mỹ nên các chuyên gia dự báo, mục tiêu đạt 8 tỷ đô la Mỹ theo quy hoạch sẽ sớm hoàn thành. Kết quả đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ tại Bình Dương - chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước năm 2014.

Tuy nhiên, ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước nói chung và tại Bình Dương nói riêng, bên cạnh những thuận lợi cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những thách thức  

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, số lượng công ty (CT), DN chế biến gỗ tại Bình Dương tăng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây. Năm 2002, trên địa bàn tỉnh mới có khoảng trên dưới 30 CT, DN lớn nhỏ chế biến và xuất khẩu gỗ, đến nay đã tăng lên hàng trăm DN. Cơ cấu các DN chế biến gỗ tại tỉnh gồm 70% DN trong nước, 5% DN Nhà nước, phần còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chế biến sản phẩm gỗ tại một DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: D.CHÍ

Hiện nay, ngành gỗ là một trong những ngành chịu nhiều thách thức khi tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AFTA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là việc giảm thuế đối với các mặt hàng gia công, chế biến gỗ từ các nước trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết Bình Dương hiện có trên 500 DN chế biến và xuất khẩu gỗ. Ngành gỗ hiện nay phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ ngành gỗ. Về nguyên liệu, những năm trước các DN tỉnh Bình Dương chủ yếu nhập nguồn gỗ thô từ Campuchia, Lào nhưng hiện nay, do ảnh hưởng chính sách bảo vệ tài nguyên rừng của nước bạn, nguồn nguyên liệu phải nhập từ các nước Mỹ, Canada (chủ yếu là gỗ thông, gỗ tràm, gỗ sồi) nên phí sản xuất tăng cao, DN cũng mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng đơn đặt hàng.

Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ trợ ngành gỗ tại Bình Dương như sơn, dầu, thuốc chống ẩm mốc, đinh vít… cũng chưa phát triển mạnh để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Phần lớn DN vẫn phải nhập các sản phẩm phụ trợ ngành gỗ từ nước ngoài. Được biết, nguyên vật liệu phụ trợ ngành gỗ chiếm từ 20 - 25% chi phí sản xuất nên ảnh hưởng rất nhiều tới các DN.

Tạo thuận lợi nhất cho DN

Sắp tới, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương sẽ đón nhận thêm nhiều hội viên mới, gồm những DN mới đầu tư tại Bình Dương và các DN tham gia cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu ngành gỗ. Nếu DN trong nước hợp tác tốt để giảm tối đa chi phí sản xuất sẽ tạo thêm sự cạnh tranh mạnh mẽ cho DN gỗ trong nước.

Theo một số DN, muốn đủ sức cạnh tranh các DN trong tỉnh cần phải có tiếng nói chung để tạo ra sự liên kết lâu dài, bền vững; cùng nhau chia sẻ thông tin, công nghệ, nguồn nguyên liệu và cả nhân lực cho sự phát triển riêng lẻ của từng DN. Nếu đơn đặt hàng lớn, đòi hỏi nhiều chi phí thì DN trong tỉnh nên hợp tác cùng nhau chia sẻ đơn hàng, cùng nhau hưởng lợi nhuận… nếu không đơn hàng lớn sẽ vào tay DN nước ngoài.

Ông Lương Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhận định các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương có hệ thống phân phối sản phẩm rộng rãi nhờ vào các chiến lược makerting từ các chuỗi phân phối toàn cầu từ các siêu thị, trung tâm thương mại. DN trong nước muốn tham gia thị trường xuất khẩu thì không thể bỏ sót bước đi mang tính chiến lược này.

Để tạo tối đa ưu thế cho các DN chế biến gỗ tại VN, Bộ Công thương đã khuyến khích các tỉnh, thành tạo ra sàn giao dịch gỗ giúp các DN chủ động nguồn nguyên liệu cũng như giảm giá thành sản xuất trong xu thế toàn cầu, mà ngành chế biến gỗ là một trong những ngành chịu sự cạnh tranh khốc liệt nhất. Riêng tại Bình Dương, vừa qua, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp nhận chủ trương thành lập khu công nghiệp chuyên sản xuất, chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) để hỗ trợ cho các DN trong tỉnh trước làn sóng đầu tư ồ ạt vào ngành gỗ tại Bình Dương. Bên cạnh đó các chính sách về thuế, hải quan… cũng sẽ được tinh giảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN chế biến gỗ của tỉnh trong xu hướng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Năm 2014, ngành gỗ của Bình Dương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ đô la Mỹ; năm 2015 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, từ đầu năm đến nay, các DN thành viên đã chế biến, xuất khẩu được trên 1,54 tỷ đô la Mỹ. Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu, Bình Dương đã có thêm khách hàng mới đến từ châu Phi và Trung Đông.

 

TIÊU PHONG