Ngành gỗ Bình Dương: Áp lực đổi mới công nghệ
(BDO) Để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu trong tình hình mới, ngành gỗ của Bình Dương đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất, đồng thời đổi mới quản trị.
Vận hành máy CNC tại Công ty Thượng Nguyên (TX.Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY
Vẫn nhiều thách thức
Năm 2019, với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực là điều kiện thuận lợi để ngành xuất khẩu gỗ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
Khi tham gia vào CPTPP, ngành gỗ của Việt Nam có cơ hội tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước thành viên khi thuế xuất nhập khẩu về 0%. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), CPTPP chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường, khi thuế suất gần như bằng 0% tại 11 nước thành viên CPTPP. Điển hình, theo cam kết, CPTPP có hiệu lực sẽ giúp cắt giảm 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, trong khi nước ta hiện là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn thứ 2 vào quốc gia này (sau Trung Quốc), từ đó giúp các doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Còn với thị trường Canada, khi CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các sản phẩm của ngành gỗ trong nước như ván sàn, gỗ thanh... vào thị trường này, bởi mức thuế 3,5% thời gian qua sẽ được xóa bỏ.
Cùng với đó, việc tham gia VPA/FLEGT với EU sẽ mở rộng cửa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này, bởi các nước châu Âu có quy định rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ gỗ. CPTPP có hiệu lực còn giúp doanh nghiệp trong nước mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada... thuận lợi hơn khi thuế hạ xuống.
Một vấn đề nữa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang gia tăng; chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10-5-2019. Trong đó, danh sách các mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung có mặt hàng gỗ, nội thất. Như vậy, nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế, các nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội này đi kèm với không ít thách thức đối với doanh nghiệp trong nước. Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch BIFA, cho rằng thách thức lớn mà ngành gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Thương mại Mỹ khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam thì sức cạnh tranh về giá cả của gỗ thành phẩm sẽ khốc liệt hơn.
Điều đáng nói, trong khi các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam trình độ công nghệ còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh thì doanh nghiệp của Trung Quốc hiện đã phát triển cao, sản xuất theo chuỗi và họ cũng chỉ cần 40% hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam để được vào thị trường Mỹ. Thêm vào đó, áp lực nhân công, chi phí logistics sẽ đè nặng lên doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đầu tư công nghệ - giải pháp sống còn
Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường quốc tế đang rộng mở đối với doanh nghiệp trong nước nhưng việc tranh thủ được hay không lại tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp. Theo tìm hiểu của phóng viên, bài toán khó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là việc đầu tư công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất, sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Không đầu tư vào công nghệ, một doanh nghiệp có khả năng sản xuất 100 sản phẩm mỗi ngày nhưng khi có đơn hàng cần sản xuất gấp đôi hoặc nhiều hơn thì không thể xoay trở kịp, vì năng suất làm việc của người lao động tại doanh nghiệp ở mức thấp, tiềm lực về vốn để đầu tư máy móc thiết bị còn yếu.
Theo ông Minh, đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị hiện nay đã và đang là xu hướng sống còn đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lao động, quan tâm tốt hơn đời sống của người lao động để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. “BIFA với tư cách là hiệp hội nghề nghiệp có thể giới thiệu những công nghệ tiên tiến của ngành gỗ trên thế giới hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm quản trị hiệu quả và làm cầu nối với ngân hàng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội này như thế nào lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chính mỗi doanh nghiệp”, ông Minh nói.
Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (TX.Tân Uyên), cho hay để hội nhập sâu rộng với thế giới công ty đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc công nghệ sản xuất hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp có nhu cầu về những công nghệ tiên tiến hiện nay, hỗ trợ hoán đổi máy móc, phát triển chuỗi sản xuất. Tới đây, BIFA sẽ phối hợp với Thượng Nguyên triển khai chương trình đào tạo hệ thống điều khiển bằng máy tính (CNC) với nội dung: “Giải pháp tối ưu dành cho nhà máy sản xuất nội thất hiện đại” nhằm trang bị thêm kiến thức về máy móc công nghệ cao, cách vận hành… cho các doanh nghiệp thành viên BIFA.
Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó có 905 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng và 310 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này khoảng hơn 250.000 lao động, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm 45%. |
TIỂU MY