Ngành giày da, túi xách: Cần chiến lược phát triển thị trường trong nước
(BDO)
Công ty Giày Đông Hưng tự tin với kinh nghiệm xuất khẩu có thể mang đến một thương hiệu Việt chất lượng quốc tế
Chú trọng thị trường Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành giày da, túi xách đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện các DN giày da, túi xách Việt Nam chỉ nhận đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số DN trong ngành đã nhận được khoảng 50 - 60% đơn hàng cho tháng 9, tháng 10, các tháng còn lại của năm 2020 và 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết từ đầu năm đến nay do dịch bệnh Covid-19 nên đơn hàng xuất khẩu của công ty bị gián đoạn. Công ty tập trung chiến lược phát triển thị trường trong nước để duy trì sản xuất. Từ đầu năm đến nay doanh thu thị trường trong nước đạt trên 50 tỷ đồng. Đây là nguồn lực giúp công ty ổn định sản xuất, vượt qua dịch bệnh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong thời điểm dịch bệnh, ông Vũ nhận ra rằng phát triển thị trường nội địa chính là giải pháp bền vững. Hiện công ty đã đầu tư thêm dòng giày thời trang mang thương hiệu Prowin, thay vì chỉ chú trọng dòng Prowin dành cho bóng đá.
Kết quả, sau 2 tháng thị trường đã có tín hiệu khá khả quan. Công ty Nam Bình cũng dự định mở 20 đại lý với 400 cửa hàng khắp cả nước trong thời gian tới để quảng bá và đưa giày Việt chất lượng châu Âu, châu Mỹ đến với người tiêu dùng Việt. Trong những năm gần đây, các DN da giày trong nước đã hướng về thị trường nội địa và đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều DN đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị và tăng cường khâu thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm thời trang, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Theo ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giày Đông Hưng, xét về tổng thể, thị trường nội địa còn khá rộng nhưng những cái tên phục vụ giới trẻ với các sản phẩm đa dụng còn khá ít ỏi. Với đứa con tinh thần mới - HUG, Đông Hưng không chỉ muốn phục vụ khách hàng trong nước mà còn mong muốn đem một thương hiệu giày sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Á và châu Âu. Hiện Công ty Đông Hưng đã có 2 thương hiệu phục vụ thị trường nội địa, trong đó có Ananas - giày chuyên phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên với chất lượng tốt nhất, giá phù hợp và HUG - một nhãn hiệu cao cấp hơn. Ông Hưng cho rằng điểm mạnh của công ty là thấy được phân khúc thị trường mình cần phải đi vào và có tiềm năng để xây dựng thương hiệu chất lượng cao, giá thành phù hợp với đối tượng khách hàng nhắm đến. Sản phẩm của Đông Hưng luôn có giá trực tiếp từ nhà máy để đưa đến tay người tiêu dùng, không qua một kênh phân phối nào khiến giá thành bị đội lên.
Đây chính là “vũ khí” mạnh nhất để các thương hiệu của Đông Hưng chinh phục thị trường, phục vụ người tiêu dùng. Bảo vệ thương hiệu Việt Thời gian qua, ngành công thương đã nỗ lực lớn để hỗ trợ các DN triển khai các giải pháp tổng thể như tìm các sản phẩm mới thay thế, đáp ứng nhu cầu mùa dịch bệnh. Trong đó, ngành đặc biệt lưu ý các DN sản xuất hàng cho thị trường nội địa để duy trì sản xuất, giữ vững thị trường, hướng đến phát triển bền vững.
Ngành công thương cũng thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao để tạo điều kiện cho các DN đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong đó có ngành giày da, túi xách. Hiện nay, với dân số hơn 95 triệu người, ước tính nhu cầu tiêu thụ giày dép tại Việt Nam năm 2019 khoảng 190 triệu đôi (bình quân gần 2 đôi/người/ năm) và tiếp tục tăng do người dân có thu nhập ngày càng cao. Vì lẽ đó, từ những thương hiệu nổi tiếng của các tên tuổi nước ngoài đến các công ty trong nước đều chú trọng thị trường Việt Nam. Trước cơ hội đó, nhiều DN trong nước đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhiều thương hiệu giày Việt như VINA Giày, T&T, Biti’s, Bita’s, Asia Shoes, Hồng Thạnh… ngày càng được người tiêu dùng Việt lựa chọn. Thách thức lớn hiện nay đối với các DN giày da, túi xách là với mức thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa lưu thông nội khối và giữa ASEAN với Trung Quốc, vì vậy các nước ASEAN và Trung Quốc đã đẩy mạnh bán hàng sang Việt Nam, tăng sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước.
Thị trường giày dép nội địa hiện có một nghịch lý là trong khi Việt Nam xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), số lượng xuất khẩu năm 2019 trên 1,2 tỷ đôi, kim ngạch 18 tỷ USD, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 100 triệu đôi giày dép các loại, trị giá gần 1 tỷ USD, chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, một số lượng lớn hàng giày dép, túi xách là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được nhập vào Việt Nam bán với giá rất rẻ, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu Việt. Ông Nguyễn Quang Vũ cho biết trong hội nhập sâu rộng, cũng là lúc các DN chú trọng tập trung cho thị trường trong nước, kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, qua đó giúp các thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng trên “sân nhà”. “Với nền tảng mà các đơn vị xuất khẩu đã đạt được từ kỹ thuật, kỹ nghệ, đặc biệt là nguồn nguyên vật liệu, chúng ta tự tin có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng không hề thua kém hàng cao cấp của các thương hiệu lớn, dành cho người tiêu dùng Việt.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra hàng nhái, hàng giả nhằm tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển. Người tiêu dùng cần tự nâng cao kiến thức của mình, chọn mua các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để góp phần ngăn chặn nạn hàng giả”, ông Vũ cho biết.
Theo ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ quyết liệt hơn trong việc kiểm tra và phối hợp xử lý hàng nhái, hàng giả, không nguồn gốc xuất xứ… Để đạt được kết quả, các DN cần phối hợp với lực lượng QLTT, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm nhãn hiệu của mình để làm căn cứ cho ngành chức năng xử lý vấn nạn này.
TIỂU MY