Ngành Giao thông - Vận tải: Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”
(BDO) Trong những năm qua, ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT.
Xe chờ đón khách tại Bến xe khách tỉnh. Ảnh: DUY CHÍ
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành GTVT tỉnh nhà trong năm 2018?
- Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, năm 2018, ngành GTVT tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đạt được những kết quả nổi bật. Điển hình là ngành đã xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020; xây dựng, báo cáo thông qua UBND tỉnh Đề án Sắp xếp các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, Phương án ứng dụng khoa học trong việc đầu tư xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển giao thông thông minh...
Bên cạnh đó, ngành GTVT tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh chủ trương, giải pháp đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1- 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Ngành cũng kiến nghị, đôn đốc tiến độ xây dựng các trục giao thông đối ngoại đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường ĐT743, cầu kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh…; kiến nghị nâng tĩnh không các cầu trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, đầu tư xây dựng kết nối hệ thống đường đô thị với TP.Hồ Chí Minh, kết nối giao thông thủy bộ của tỉnh... Ngành GTVT cũng kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại; đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh; phát triển các trục giao thông, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với trung tâm thành phố mới Bình Dương...
Với những giải pháp thiết thực, sự đồng tâm, nỗ lực của toàn ngành GTVT và sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp đã góp phần giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh.
- Trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng, ngành đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Phát triển vận tải hành khách công cộng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4291/QĐ- UBND ngày 24-12-2014 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025. Quyết định này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp định hướng phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Giao thông công cộng thành phố mới bằng phương thức vận tải mới tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 3-10- 2014 nhằm sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường để tạo giá trị mới cho thành phố mới Bình Dương, đồng thời khuyến khích chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị.
Để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 11-7- 2018. Đề án đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm giá vé xe buýt, giảm phí lưu đậu xe buýt... nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 tuyến buýt đang hoạt động với mạng lưới tuyến xe buýt hình nan quạt, hướng tâm về TP.Thủ Dầu Một. Với mạng lưới tuyến vận tải khác, đến nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và kết nối đô thị trung tâm từ TP.Thủ Dầu Một với các huyện, thị trong tỉnh; khả năng kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận khá tốt, với 10/27 tuyến liên tỉnh.
Thời gian qua, việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các đơn vị vận tải quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện. Tuy vậy, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế, nên chưa thu hút được người dân sử dụng. Việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 đã tạo điều kiện giúp cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có điều kiện khắc phục những tồn tại, hạn chế, từng bước đổi mới phương tiện và nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng ngày càng nhiều hơn. Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp xây dựng phương án đổi mới 37 phương tiện xe buýt, góp phần tạo bộ mặt mới cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của tỉnh.
- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc đi lại của hành khách dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã được đơn vị thực hiện ra sao, thưa ông?
- Để chuẩn bị phục vụ vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới, ngày 7-11-2018 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2409/QĐ-BGTVT về kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019. Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã ban hành kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, Sở GTVT đã phân nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc sở, các bến xe khách và các đơn vị vận tải, trong đó các đơn vị vận tải đăng ký kế hoạch phương tiện dự phòng để vận chuyển hành khách trong các trường hợp khách tăng đột biến và phương án chuyển tải hành khách khi lực lượng chức năng xử lý xe chở khách quá số người quy định. Cùng với đó, sở thành lập ban chỉ đạo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với Sở Tài chính và Công an tỉnh để kiểm tra việc niêm yết, kê khai giá cước vận tải trong thời gian phục vụ vận chuyển hành khách dịp tết 2019 tại các bến xe khách. Sở cũng công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp trong thời gian phục vụ vận chuyển hành khách dịp tết năm 2019.
Bên cạnh đó, sở chỉ đạo Thanh tra GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các tuyến đường để tránh tình trạng các phương tiện chở khách quá số người quy định; đồng thời phối hợp với cảnh sát giao thông và địa phương bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao tại các trung tâm đô thị. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe khách, trên cơ sở nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ, tết trong thời gian qua, chuẩn bị phương tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các tỉnh miền Tây và phía Bắc, chủ yếu từ ngày 20 đến 27 tháng chạp năm Mậu Tuất và xây dựng kế hoạch để chuẩn bị phương tiện dự phòng trong các ngày cao điểm, bảo đảm không để hành khách không có phương tiện về quê trong dịp tết.
- Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tăng 9,7%, hàng hóa luân chuyển tăng 7,3%, vận chuyển hành khách tăng 8,9%, luân chuyển hành khách tăng 9% so với năm 2017. Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông năm 2018 giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017.