Ngành giáo dục và đào tạo TP.Tân Uyên: Nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học

Thứ tư, ngày 25/12/2024

(BDO) Ngành giáo dục và đào tạo TP.Tân Uyên đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số để đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cũng như hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục.

 Học sinh trên địa bàn TP.Tân Uyên tham gia các hoạt động tại Ngày hội trải nghiệm STEM/STEAM Robotics cấp thành phố năm học 2024-2025

Tạo sân chơi công nghệ hấp dẫn

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Tân Uyên vừa tổ chức Ngày hội trải nghiệm STEM/STEAM Robotics cấp thành phố năm học 2024-2025. Với chủ đề “Nền tảng cho giáo dục thông minh”, ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên, học sinh từ mầm non tới THCS trên địa bàn TP.Tân Uyên tham gia.

Trong khuôn khổ chương trình, Phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên đã tổ chức cuộc thi “STEM/STEAM Robotics - Sáng tạo trẻ lần thứ I năm 2024” và trưng bày các sản phẩm STEM/STEAM các cấp học, các đơn vị đã mang đến ngày hội nhiều tác phẩm sáng tạo ấn tượng.

Dịp này, các đại biểu, giáo viên và học sinh được tham quan, nghiên cứu, học tập, tham gia trải nghiệm các hoạt động về các sản phẩm thí nghiệm khoa học, mô hình thí nghiệm mô phỏng, sản phẩm Robocon, sản phẩm STEM/ STEAM Robotics và các nội dung khác có liên quan như chuyển đổi số, AI, Robocon, sáng tạo khoa học, sản phẩm giáo dục thông minh...

Ông Trần Văn Đông, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên, cho biết ngày hội là một trong những sự kiện tiêu biểu, mang đến sân chơi bổ ích để học sinh có cơ hội thể hiện năng lực, đam mê sáng tạo; đồng thời gắn kết tri thức với thực tiễn thông qua các hoạt động thú vị và ý nghĩa. Đây cũng là dịp để các em giao lưu, học hỏi và hơn hết là khám phá những tiềm năng to lớn của bản thân.

Nỗ lực đưa công nghệ vào trường học

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) đã được ngành GD&ĐT TP.Tân Uyên nỗ lực triển khai nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý giáo dục. Các mô hình trường học số, thư viện số, phòng học số và thúc đẩy giáo dục STEM/ STEAM tại các trường học trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao năng lực dạy và học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học trên nền tảng số, ngành GD&ĐT TP.Tân Uyên đã cơ bản xây dựng được một hệ sinh thái toàn diện, như: Triển khai thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số; phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung; phát triển ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; triển khai các nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% đơn vị trường học; thực hiện học bạ số cho học sinh...

Hiện nay, trên địa bàn TP.Tân Uyên có 2 trường tiểu học được trang bị phòng học 4.0; 2 trường THCS được trang bị phòng học STEM/STEAM Robotics. Các trường học trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện tích hợp các hoạt động STEM/STEAM Robotics vào hoạt động giáo dục.

Để bắt kịp xu thế, đội ngũ giáo viên cũng có sự nỗ lực trong việc tự học, tự nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng tiết dạy linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn hoặc học tập chuyên đề để giáo viên cập nhật những kiến thức mới, từng bước làm chủ công nghệ, phục vụ cho công việc chuyên môn.

Cô Hà Thị Anh Thơ, giáo viên Trường Tiểu học Hội Nghĩa, cho biết: “Việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã hỗ trợ đội ngũ giáo viên rất nhiều. Chúng tôi có thể khai thác rất nhiều kiến thức, tư liệu, hình ảnh minh họa đưa vào bài giảng, giúp nội dung của tiết học thêm sinh động, học sinh hứng thú hơn ở mỗi tiết học”.

Còn với em Võ Trương Hoài An, học sinh lớp 5.4 Trường Tiểu học Phú Chánh thì “mỗi tiết học thầy cô ứng dụng công nghệ thông tin đã làm cho bài học sinh động, hấp dẫn hơn và tạo hứng thú cho chúng em hơn”.

Tính đến nay, toàn ngành giáo dục TP.Tân Uyên đã triển khai thực hiện 9.989 học bạ điện tử cho học sinh lớp 6, 7 tại các trường THCS; 99,88% học sinh toàn thành phố được cấp học bạ số; 100% giáo viên ở các cơ sở giáo dục sử dụng thành thạo các phần mềm Powerpoint, Azota, Zoom... vào thiết kế bài giảng. Triển khai thí điểm mô hình lớp học số sử dụng hệ sinh thái Google for Education cùng các ứng dụng Edtech, ứng dụng công cụ AI vào công việc giảng dạy tại 4 trường tiểu học. Triển khai thực hiện phần mềm thư viện điện tử, thư viện thông minh tại 25 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố...

 HỒNG PHƯƠNG