Ngành Giáo dục – Đào tạo: Tích cực chuẩn bị cho một kỳ thi quốc gia
Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành, kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7. Tính từ thời điểm hiện tại, thầy trò học sinh (HS) lớp 12 có 4 tháng để chuẩn bị trước khi bước vào kỳ thi có tính quyết định này.
Củng cố kiến thức cho HS lớp 12 là việc làm có tính thông lệ đối với các trường THPT. Điểm mới năm nay là HS chỉ còn tham dự 1 kỳ thi THPT quốc gia, vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Giảm bớt 1 kỳ thi, HS giảm được áp lực thi cử, nhưng các em không khỏi lo lắng vì năm 2015 là năm đầu tiên ngành thực hiện đổi mới thi cử. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đề thi một số môn ra theo hướng vận dụng kiến thức, hiểu biết xã hội.
(BDO)
HS trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau. Ảnh: A.SÁNG
Từ khi có thông tin đổi mới thi cử từ bộ, các trường THPT đã chủ động tổ chức dạy, ôn tập cho HS theo hướng một kỳ thi quốc gia. Thầy Phạm Trọng Sang, Hiệu trưởng trường THPT Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), cho biết thông qua việc dạy ôn tập, củng cố kiến thức nhằm giúp nâng cao chất lượng HS thi đỗ tốt nghiệp và tỷ lệ đậu vào các trường ĐH, CĐ. Nhà trường nhắc nhở giáo viên tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề, nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT và tổ chức thi thử cho HS.
Nhìn chung, đa số các trường tư vấn cho HS chọn môn thi, khối thi theo năng lực và tổ chức các lớp ôn tập. Nhiều trường tổ chức dạy tăng tiết và củng cố kiến thức cho HS ngay từ đầu năm học đối với các môn: Toán, lý, hóa, văn, Anh, sử, địa, sinh. Ngoài củng cố kiến thức đã học, giáo viên còn tăng thời gian rèn luyện cho HS, đặc biệt là với những HS yếu, kém. |
Qua khảo sát cho thấy, cách làm chung của các trường là cho HS đăng ký môn thi, sau đó tổ chức các lớp ôn tập. Và tùy theo đặc điểm của mỗi trường, các trường có những biện pháp tổ chức ôn tập phù hợp. Ở trường THPT Tân Bình (Bắc Tân Uyên), HS yếu kém được củng cố thêm những kiến thức bị hổng, HS khá giỏi sẽ được bồi dưỡng nâng cao để nâng cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Mỗi buổi học, giám thị giám sát và kiểm tra sự chuyên cần của HS, liên lạc ngay với phụ huynh HS khi HS vắng. Về phía Đoàn thanh niên, tăng cường giáo dục ý thức học tập của HS; tổ chức cho HS nói chuyện và trao đổi với nhau về phương pháp học tập có hiệu quả.
Lo cho HS lớp 12, ngành GD-ĐT nói chung và từng trường THPT đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, giúp HS đạt kết quả cao ở kỳ thi THPT quốc gia. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT nhắc nhở, để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên không được dạy tủ, đoán đề; không được cho HS học thuộc lòng các bài soạn mẫu hoặc dạy lại bài đã dạy, bảo đảm tiết dạy ôn tập phải hệ thống được các kiến thức đã học. Nghiêm cấm các trường hợp giáo viên tự in ấn tài liệu ôn tập riêng để bán cho HS hoặc o ép HS để dạy thêm. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình học tập của HS để liên hệ phụ huynh kịp thời. Khuyến khích HS học nhóm tại trường và tạo điều kiện tốt nhất để các em học và nghỉ trưa tại trường. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, thi thử dưới nhiều hình thức để nắm diễn biến chất lượng nhằm bổ sung, điều chỉnh biện pháp phù hợp, qua đó giúp HS được thử sức thường xuyên.
A.SÁNG