Ngành Giáo dục - Đào tạo: Nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển
(BDO) Trong 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đều có liên quan đến. Để cụ thể hóa các chương trình của tỉnh, ngành có chương trình hành động riêng, phù hợp với đặc điểm của ngành, trong đó có thực hiện đề án “Bảo đảm nguồn nhân lực ngành GD-ĐT giai đoạn 2016-2020”.
Nâng chất nhà giáo
Với ngành GD-ĐT, đội ngũ là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, do đó trong mỗi giai đoạn ngành đều có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước đây, ngành đã thực hiện đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngành GD-ĐT từ năm 2011- 2015”. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá: “Qua 5 năm thực hiện, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt yêu cầu. Có thể nói, đa số giáo viên, công chức, viên chức của ngành đều tận tụy với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn”.
Giáo viên tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng giảng dạy, phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia
Thật vậy, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỷ lệ dân số cơ học tăng nhanh, do đó trường lớp cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Từ thực tế đó, đội ngũ nhà giáo nói chung cũng tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu. Tăng số lượng nhưng vẫn bảo đảm về chất lượng. Trước yêu cầu nghiêm ngặt trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy, các thầy cô không ngừng học tập nâng cao trình độ. Theo từng năm, tỷ lệ giáo viên, công chức, viên chức lãnh đạo đạt chuẩn và trên chuẩn tăng dần. Tính đến nay, 100% công chức, viên chức quản lý các cấp học và các đơn vị quản lý giáo dục trong toàn ngành có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên; trong đó trên chuẩn đạt 88,50%. Có 93% cán bộ quản lý được bồi dưỡng quản lý giáo dục hoặc được đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 99,84%, trong đó trên chuẩn là 70,56%.
Đội ngũ hiện đang công tác liên tục được đào tạo, bồi dưỡng, số được tuyển dụng mới hàng năm cũng có những chuẩn quy định ngày càng cao hơn. Công tác tuyển dụng viên chức được thực hiện hàng năm theo các quy định về vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ, chuyên môn đào tạo, trường đào tạo, tính ổn định và sự gắn bó với địa phương… từ đó đã góp phần hạn chế sự lãng phí giữa đào tạo và sử dụng, cũng như tránh được việc tuyển dụng xong mới đưa đi đào tạo theo yêu cầu chuẩn trình độ.
Tiếp tục nâng cao
Đề án “Bảo đảm nguồn nhân lực ngành GD-ĐT giai đoạn 2016-2020” được thực hiện phù hợp với Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Chương trình số 20 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Trọng tâm của đề án là đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đích đến của ngành là xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên ngành GD-ĐT đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tế, tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo tính toán của ngành, từ chỗ phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự báo nhu cầu học tập ở các cấp học, bậc học đều tăng. Cụ thể, dự báo số giáo viên nhà trẻ - mẫu giáo là 3.332 người, giáo viên tiểu học là 2.018 người, giáo viên THCS tăng thêm 2.354 người và giáo viên THPT là 503 người. Trên cơ sở đề án, ngành có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra ở từng cấp học. Theo lộ trình đào tạo, đến năm học 2020-2021, đào tạo chuyên môn cho 5.094 người, đào tạo quản lý giáo dục cho 872 trường hợp, lý luận chính trị cho 1.064 người. Dự kiến đến năm học này, 100% đội ngũ đạt chuẩn; trên chuẩn ở các cấp học là mầm non 63%, tiểu học đạt 100%, THCS 90%, THPT 25%. Ngoài ra, ngành cũng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ của sở, các đơn vị trực thuộc; đào tạo, bồi dưỡng quản lý giáo dục cho công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và đội ngũ kế cận.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn gắn với kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức người thầy. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng trang bị cả lý luận và kỹ năng nghiệp vụ, giải quyết tình huống thực tế, coi trọng sự tự giác của học viên bên cạnh việc quản lý thật tốt nề nếp lớp học, khóa học.
(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)
H.THÁI