Ngành giáo dục chung tay xây dựng nông thôn mới
(BDO) Trong bộ tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (NTM), có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Tính đến nay, Bình Dương có 46/46 xã đạt chuẩn NTM. Con số này cho thấy, ngành GD-ĐT đã có những đóng góp tích cực, góp phần để tỉnh sớm về đích ở chương trình này.
Trường Mầm non An Long (Phú Giáo) được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2019
Ngay khi tỉnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Sở GD-ĐT đã chủ động đưa nội dung ở 2 tiêu chí 5 và 14 vào kế hoạch phát triển GD-ĐT từng năm. Bảo đảm yêu cầu thực hiện tiêu chí trường học và giáo dục, ngành đã huy động các nguồn lực xây dựng trường lớp bảo đảm cho cả 3 cấp học ở các địa phương trong tỉnh. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sở phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tham mưu hoàn thiện hệ thống trường mầm non, phổ thông khu vực nông thôn của tỉnh, để bảo đảm mỗi xã có trường mầm non, tiểu học, cụm xã có trường THCS và huyện có trường THPT. Quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, sở đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để 100% trẻ em đến độ tuổi đi học được đến trường, bảo đảm chất lượng công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học.
Nhìn lại tiêu chí trường học cho thấy, trường lớp ở trong tỉnh không chỉ được hiện đại hóa, mà trang thiết bị cũng được tăng cường đầu tư theo hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Ngoài đủ trường, đủ lớp đáp ứng yêu cầu dạy và học, ngành còn tập trung đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Với mục tiêu phấn đấu 100% huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tập trung nguồn lực, có giải pháp tích cực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh ước đạt 72,6% trường đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn. Bên cạnh đó, để củng cố chất lượng các tiêu chí giáo dục của bộ tiêu chí NTM, tỉnh và Sở GD-ĐT đã xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển GD-ĐT. Cụ thể là Đề án “bảo đảm nguồn nhân lực GD-ĐT giai đoạn 2016-2020”; thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025. Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục cho từng năm, trong đó bảo đảm tốt nội dung đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đồng thời củng cố kết quả phổ cập giáo dục các cấp học.
Nhìn lại tiêu chí về giáo dục, Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được củng cố vững chắc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học cũng đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cũng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục trung học và thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài cũng được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục...
Qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của các địa phương, tình hình giáo dục ở khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, tỷ lệ trường học kiên cố được nâng lên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ và ngày càng tiên tiến, hiện đại; chất lượng đội ngũ được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn ngày càng tăng; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa khu vực nông thôn với đô thị ngày càng thu hẹp; kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được củng cố ngày càng vững chắc… Từ kết quả trên, ngành GD-ĐT đã góp phần vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. |
HỒNG THÁI