Ngành điều Việt Nam: Kỳ vọng 1 tỷ USD từ xuất khẩu nhân hạt điều

Thứ bảy, ngày 20/03/2010

Phát biểu tại buổi họp báo công bố Lễ hội Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước năm 2010, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết xuất khẩu nhân điều của Việt Nam trong năm 2010 sẽ đạt mức 1 tỷ USD. Nhận định này xem ra có cơ sở khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, giá xuất khẩu điều nhân tăng trở lại, nếu đạt được điều này thì đây là lần đầu tiên ngành điều gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD. Kỳ vọng...

Trước đó, năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu 177.000 tấn nhân điều các loại, đạt kim ngạch 850 triệu USD. Trong 4 năm liền (từ 2006 đến 2009), Việt Nam luôn đứng ở vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, đứng thứ hai thế giới về sản lượng điều thô và sản lượng chế biến. Cả nước hiện có khoảng gần 450 ngàn ha điều, tập trung chủ yếu ở vùng Ðông Nam bộ, Tây nguyên và duyên hải miền Trung. Cây điều đang giải quyết việc làm cho gần nửa triệu lao động từ trồng và chế biến hạt điều, trong đó có 80 nhà máy chế biến với hơn 70 ngàn công nhân, khả năng mỗi năm chế biến 250 đến 300 ngàn  tấn hạt điều xuất khẩu.

Tuy nhiên, xét về mặt bền vững, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo ông Học, nguyên nhân chủ yếu là chúng ta nhận thức chưa đúng tầm về ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của cây điều trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn - nông dân; chưa coi trọng đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất điều; các chính sách như đất đai, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ nông dân... chưa đồng bộ, chưa sát với thực tế. Cả nước hiện có khoảng 800 ngàn nông dân trồng điều, hàng trăm nhà máy chế biến nhưng công nhân làm việc không ổn định, người trồng điều luôn lo lắng mất mùa, mất giá... Mặt khác, khoảng 97% sản phẩm chế biến xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào mức tiêu thụ và giá cả thế giới. Trong khi đó, chúng ta chưa đầu tư phát triển chế biến sản phẩm tiêu thụ nội địa và các sản phẩm phụ từ điều. Đó chính là những yếu tố bất lợi cho phát triển bền vững.

Một số doanh nghiệp cho rằng để phát triển ngành điều cần sớm có những giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp từ Trung ương, giải pháp của từng địa phương, từng doanh nghiệp, nhà khoa học và giải pháp ngay cả với từng hộ trồng điều. Trong tương lai gần chúng ta cần quy hoạch mở rộng diện tích cây điều một cách hợp lý để các doanh nghiệp không còn phải lo thiếu nguyên liệu chế biến, đồng thời tập trung chỉ đạo thâm canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, tạo sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

...Và cơ hội

Lễ hội Quả điều vàng Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Phước diễn ra từ ngày 20 đến 23-3 là dịp để tôn vinh và khuyến khích người trồng điều cả nước, đồng thời khẳng định thương hiệu điều Việt Nam với thế giới. Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Quả điều vàng, cho biết lễ hội là cơ hội tốt nhất để chúng ta quảng bá, giới thiệu về lợi thế ngành điều Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng; đồng thời đây cũng là cơ hội tìm kiếm những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành điều trong nước phát triển lên tầm cao mới, ổn định và bền vững hơn. Lễ hội cũng chính là dịp để kịp thời động viên, khuyến khích, tôn vinh những người có công đóng góp cho sự phát triển của ngành điều Việt Nam, tất nhiên trong đó có các doanh nghiệp ngành điều. Ngành điều Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng chúng ta cần phải phấn đấu vươn xa hơn. Ngành điều phải học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ, phải xúc tiến thương mại nội địa, phải làm sao để thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm thì mới phát triển bền vững được.

Tại lễ hội này còn có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Chính phủ của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan... Ban tổ chức cũng có kế hoạch trao tặng cây điều giống của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

K.TÂN