Ngành điện chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển
(BDO) Với quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và chăm sóc khách hàng, ngành điện Bình Dương đã có sự đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị, đào tạo đội ngũ nhân lực để đáp ứng mục tiêu đặt ra, đóng góp vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết thời gian qua ngành điện tỉnh tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện theo mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, mục tiêu của EVN là tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng.
Đến nay, PCBD đã cơ bản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. PCBD lựa chọn và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số, đó là số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, số hóa khách hàng, số hóa quy trình nghiệp vụ, tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động, tận dụng thành tựu nghiên cứu cách mạng công nghệ 4.0. Cũng theo ông Lê Hồng Khanh, công tác chuyển đổi số của PCBD có nhiều thuận lợi, đó là sự ủng hộ của UBND tỉnh, các sở, ngành. Không những vậy, chính sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ phía khách hàng, người dân và doanh nghiệp là động lực để công tác chuyển đổi số của PCBD đạt được những kết quả khích lệ.
Chuyển đổi số đóng góp tích cực cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phục vụ khách hàng. Trong ảnh: Nhân viên PCBD kiểm tra thông số điện cung cấp cho các khu vực qua thiết bị đo đếm chính xác
Đến nay, ngành điện tỉnh đã ứng dụng công nghệ vào vận hành, khai thác cung ứng điện, chuyển sang mô hình trạm biến áp không người trực và điều khiển từ xa; tăng cường ứng dụng sửa chữa không cắt điện, triển khai thanh toán tiền điện trực tuyến, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng phục vụ cho hoạt động chăm sóc khách hàng... Để chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, hiện nay EVN đang hướng tới cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng công nghệ số và theo các chuẩn mực quốc tế. Đáng chú ý, riêng ở địa bàn Bình Dương có 12 loại hình giao dịch điện bằng hình thức trực tuyến và qua cổng dịch vụ công đạt trên 98% khách hàng sử dụng điện. Con số này phản ánh nhu cầu thực tế của khách hàng, đồng thời cũng thể hiện sự phổ cập rộng của dịch vụ điện trực tuyến của ngành điện đang được khách hàng đón nhận và đánh giá cao.
Khách hàng hưởng ứng tích cực
Tính đến tháng 8-2023, toàn tỉnh có 588.329 khách hàng sử dụng điện, trong đó có 203.888 khách hàng đã cài đặt ứng dụng App CSKH EVNSPC, chiếm 34,7% tổng số khách hàng. Có 495.373 khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ví điện tử, chuyển khoản, chiếm 84,20% khách hàng sử dụng điện. Thông qua ứng dụng nêu trên có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tương tác giữa khách hàng với ngành điện đối với các nội dung liên quan. |
Hiện nay, chỉ với chiếc smartphone người dân có thể thông qua các giao dịch trực tuyến xem chỉ số điện, tiền điện, báo sự cố điện, sửa chữa… Việc cài đặt App và Zalo của ngành điện đã tạo thuận lợi rất nhiều cho khách hàng.
Nếu như trước đây mỗi tháng khách hàng đều nhận các thông báo chi phí tiền điện, những lúc vắng nhà phải đến tận trụ sở điện lực để thanh toán, khi được tư vấn, cài đặt sử dụng App và Zalo mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, công sức cho khách hàng. Cụ thể, vấn đề liên quan về điện đều được tổng đài theo dõi, tiếp nhận, giải quyết cho khách hành trong thời gian sớm nhất có thể. Ứng dụng công nghệ đã đem lại hiệu quả rõ nét trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo nên sự hài lòng chung cho cả hai bên.
Công nghệ đã thay sức người, giúp khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ điện. Sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong chuỗi kinh doanh và dịch vụ, từ cấp điện mới, ghi chỉ số, lập hóa đơn, thu và theo dõi nợ tiền điện đến chăm sóc khách hàng.
Các phương thức thanh toán cũng ngày càng thuận tiện, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các điểm thu tiền điện của điện lực hiện chỉ còn phục vụ thanh toán tiền điện của khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, các khách hàng chưa có điều kiện để sử dụng các loại điện thoại smartphone để cài đặt các ứng dụng. Hiện đa số khách hàng đã sử dụng các kênh thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian…
Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc PCBD, cho biết đơn vị đã tập trung chuyển đổi số trên mọi phương diện, việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Công nghệ đã giúp doanh nghiệp, khách hàng tiết giảm thời gian, chi phí. Nhân lực được xác định là nền tảng quan trọng để tham gia, phát huy các giá trị mà quá trình chuyển đổi số mang lại. Vì vậy, PCBD sẽ tiếp tục củng cố nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện hại đại để phục vụ khách hàng tốt hơn.
MINH DUY