Ngành dệt may ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy sản xuất phát triển

Thứ tư, ngày 27/09/2023

(BDO)  Dệt may là ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Hiện nay, các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải... đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng hàng dệt may. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ góp phần nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.

 Gian hàng máy ngành dệt của một DN tham gia triển lãm VIETNAM TEXPRINT 2023 vừa tổ chức tại Bình Dương

 Ưu tiên công nghệ mới

Dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8-15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/ người/tháng.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa bắt kịp sự phát triển của ngành may xuất khẩu. Đặc biệt là các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải đang là “nút thắt cổ chai” trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng hàng dệt may. Chính vì vậy, ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải để từng bước cung cấp đủ nguyên phụ liệu cho ngành may. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm, in tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường.

Tại Bình Dương, trong nhiều năm qua đã hình thành và phát triển khu vực công nghiệp rộng lớn và thu hút hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) FDI. Đặc biệt trong ngành dệt may, tỉnh Bình Dương là nơi thu hút các DN dệt may FDI cũng như trong nước gia công các sản phẩm cho DN ở nước ngoài đang hoạt động tích cực trên địa bàn tỉnh. Sau đại dịch Covid-19 và sự biến động của thị trường toàn cầu, dù đơn hàng vẫn đang còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các DN dệt may áp dụng các công nghệ in thêu vẫn tiếp tục tìm hướng đi riêng để phát triển thị trường, đặc biệt là chú trọng đi vào thị trường nội địa Việt Nam với quy mô 100 triệu dân.

Kết nối, gia tăng giá trị sản phẩm

Thời gian tới, ngành dệt may tiếp tục được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển bởi Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu… Để phát huy và đón đầu cơ hội, các DN dệt may cần tăng cường liên doanh liên kết, kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề và thu hút người lao động, nâng cao quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh đó, mới đây nhất tại Trung tâm Triển lãm WTC EXPO, thành phố mới Bình Dương đã diễn ra triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam - VIETNAM TEXPRINT 2023 đáp ứng nhu cầu cấp bách của các DN dệt may trong giai đoạn hiện nay. Đây là thời điểm thuận lợi để DN trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh trong chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “VIETNAM TEXPRINT 2023 giúp các DN trong lĩnh vực dệt, nhuộm, in, sản xuất vải, phụ liệu dệt may và trang phục tìm hiểu các công nghệ in mới, hiện đại. Đây là cơ hội cho các DN gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của đơn vị, từ đó có định hướng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển xanh và bền vững của ngành dệt may Việt Nam”.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và Sở Công thương đã chủ động để tìm kiếm thêm các đơn hàng từ thị trường Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông... đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của DN, tạo việc làm cho người lao động. Từ quý III-2023, các đơn hàng đã dần quay trở lại, DN vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động cũng như tìm kiếm các công nghệ mới để hoàn thiện khâu sản xuất”.

(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương)

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết triển lãm góp phần tạo điều kiện cho các DN tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp cận, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, phát triển của ngành dệt may Việt Nam theo tiêu chí “Thương mại xanh, công nghiệp xanh”. Với hơn 200 gian hàng được quy tụ trong sự kiện này khẳng định vai trò của Bình Dương trong công tác thúc đẩy sản xuất tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bà Trần Kim Thoa, quản lý Công ty TNHH In vải Thiện Chí, TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Tham gia hội chợ, công ty mang đến các loại máy về in thêu, in PET, in kỹ thuật số, in vải, máy ép nhiệt đa năng. Các công nghệ này giúp cho hoạt động in thêu trong dệt may nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu trước đây in vải chỉ mấy trăm mét/1 lần, hiện sử dụng máy in với công nghệ mới sẽ giúp in được hơn 10.000 mét vải/1 lần. Việc sử dụng các công nghệ máy móc mới sẽ giúp cho nhà sản xuất giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, trong khi chất lượng lại được nâng cao”.

Bà Trần Thị Minh Thu, Công ty Sao Hoa Việt, TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện trên địa bàn Bình Dương công ty đang phân phối sản phẩm cho các đối tác như Công ty Hoàng Long, Thiên Ân Phát, Sao Mai Sáng… Công nghệ máy móc của công ty sẽ giúp các DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, nếu như trước đây các công nghệ chuyển nhiệt được làm kéo lụa mất nhiều thời gian, tốn nhiều nhân công thì hiện nay khi ứng dụng những công nghệ mới về in, thêu sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nhân công, sản xuất nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đa dạng hơn, số lượng nhiều hơn”.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ