Ngành dệt may ứng biến với thị trường Hoa Kỳ
(BDO) Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có những đánh giá công khai về cơ hội thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới. Theo nhận định của hiệp hội, trong 2 năm tới thị trường này sẽ chưa có biến động lớn về chính sách. Hiện ngành dệt may Việt Nam vẫn đang thúc đẩy xuất khẩu vào Hoa Kỳ dựa trên một số yếu tố chính. Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch trên 10 tỷ đô la Mỹ/năm. Việt Nam là khách hàng lớn nhất của ngành bông Hoa Kỳ. Mối quan hệ của VITAS với Hiệp hội Bông Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Mỹ rất tốt; hàng năm các bên đều tổ chức các hội thảo chuyên sâu, chuyên đề về ngành bông Hoa Kỳ và thị trường Việt Nam.
Tại Bình Dương, Hiệp hội Dệt may tỉnh cũng tự tin đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi về chính sách mới nếu có. Lý giải vấn đề này, các doanh nghiệp cho biết họ đã chịu áp lực rất lớn trong nhiều năm qua và đã thích ứng rất tốt. Đặc biệt, việc các doanh nghiệp đầu tư về công nghệ tự động hóa và quản trị số đã giải quyết được bài toán về năng suất lao động, giá thành sản xuất, uy tín chất lượng, giữ mối quan hệ hợp tác với các đối tác… 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt của tỉnh tăng 14,1%, trang phục tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, đây là những kết quả đáng ghi nhận từ các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu của tỉnh nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp dệt may, Bình Dương có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được cơ hội, trước hết doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược về nguồn cung, các yêu cầu cụ thể từ doanh nghiệp Hoa Kỳ để nhanh chóng có kế hoạch tiếp cận trực tiếp các nhãn hàng, chuỗi cung ứng lớn và phát triển khách hàng mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần củng cố và tổ chức hệ thống của mình để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, như linh hoạt trong tổ chức sản xuất và quản lý đơn hàng, đáp ứng nhanh và tốt nhất yêu cầu của khách hàng, của thị trường; số hóa trong công tác quản trị nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, nâng cao hiệu suất, giảm giá thành sản xuất, tập hợp và minh bạch hóa dữ liệu quản lý; cùng với đó xây dựng lộ trình thực hiện xanh hóa nhà máy để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
KHẢI ANH