Ngành dệt may trước cơ hội TPP

Thứ hai, ngày 25/01/2016

(BDO) Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu. Điểm đáng chú ý là hiệp định này dành riêng một chương nói về dệt may. Theo các chuyên gia, tham gia TPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển công nghiệp

phụ trợ.

Tham gia TPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong ảnh: Dây chuyền dệt của Công ty TNHH Dệt Tường Long (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TX.Dĩ An) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Toàn, trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2), thị trường Việt Nam rộng lớn là những khách hàng mục tiêu và tiềm năng cho ngành dệt may. Việt Nam đã gia nhập các tổ chức quốc tế chính thức và cũng nhân đó, chúng ta được xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch xuất khẩu dệt may với các nước khác, do đó DN không còn lo lắng về giới hạn việc xuất khẩu sản phẩm trong ngành.

Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đánh giá khi ngành dệt may phát triển thì các DN cũng có điều kiện mở rộng quy mô và tự nâng cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” sẽ khuyến khích các DN đầu tư vào công nghiệp phụ trợ dệt may và chú trọng nguồn nguyên liệu để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, đồng thời bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, TPP sẽ là tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư cho sản xuất nguyên liệu, vốn là khâu cần nhiều chi phí và công nghệ cao.

Ngoài ra, TPP còn tạo dòng thu hút đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam. Thực tế cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành dệt may của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, nhất là trong năm 2015. Các dự án lớn được đầu tư mạnh vào Việt Nam gần đây đều tập trung vào sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may, bao gồm cả dệt nhuộm và phân khúc hàng may mặc cao cấp. Xu hướng mới trong đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực dệt may tại Việt Nam là thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho ngành, chứ không còn đơn thuần là các dự án đơn lẻ.

Tại Bình Dương, dệt may là 1 trong 6 ngành chủ lực của tỉnh. Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Bình Dương đạt 2,09 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 9,6% tổng kim ngạch xuất của cả tỉnh và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh trong năm. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may tỉnh Bình Dương là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc đều có sự tăng trưởng trung bình từ 8 - 11%. Ngoài ra, việc đàm phán thành công TPP, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Nga... ngoài việc được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, ngành dệt may còn có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên của các hiệp định này. Hiện tại, mặc dù mới là tháng 1 của năm 2016 nhưng nhiều công ty lớn hoạt động trên địa bàn tỉnh đã ký được hợp đồng cho cả năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (TX. Thuận An), cho biết việc đàm phán thành công TPP sẽ góp phần làm cho ngành dệt may xuất khẩu có thêm ưu thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Riêng đối với công ty, tính đến thời điểm này đã có đơn hàng đến hết năm 2016.

Bên cạnh đó, Bình Dương đã quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụliệu cho ngành dệt may. Bình Dương đã thu hút được 1 dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may là dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng).

Nâng cao năng lực cạnh tranh

TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may của Việt Nam phát triển bứt phá. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để tận dụng được những cơ hội này thì ngành dệt may cũng phải vượt qua không ít thách thức. Khi các DN dệt may Việt Nam tham gia hội nhập vào kinh tế toàn cầu thì một trong những vấn đề DN lo lắng nhất chính là năng lực cạnh tranh.

Theo Thạc sĩ Hà Lâm Oanh, trường Đại học Thủ Dầu Một, hiện nay ngành dệt may của Việt Nam đang gặp hạn chế về nguyên liệu khi bảo đảm nguyên tắc xuất xứ và vấn đề cạnh tranh gay gắt với các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Dệt may được kỳ vọng về việc thu lợi từ xuất khẩu khi vào TPP, nhưng nếu không cẩn thận ngay từ những ngày đầu hiệp định có hiệu lực, lợi ích này sẽ không đến với DN Việt Nam mà lọt vào tay các DN nước ngoài. Hiện nay, các DN FDI tạo ra sự cạnh tranh đáng kể với các DN trong nước về đơn hàng, nguyên liệu đầu vào, lao động... Mặt khác, ngành dệt may của Việt Nam vẫn chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm may mặc theo phương thức gia công - vị trí đáy của chuỗi giá trị toàn cầu, với giá trị gia tăng tương đối thấp. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực ASEAN và thế giới. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá thành sản phẩm của các DN trong nước bị đẩy lên khá cao, dù giá cả nhân công thuộc hàng rẻ nhất trong khu vực.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi Việt Nam tham gia TPP, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng may mặc từ 20% hiện nay giảm xuống còn 0%, hàng ngoại tại thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn với hàng nội địa. Với cơ cấu mặt hàng còn phổ thông, chưa đa dạng lại bị thu hẹp kênh phân phối nên nguy cơ thua trên sân nhà và mất luôn thị trường nội địa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ TPP, theo Thạc sĩ Hà Lâm Oanh, các DN trong nước cần chủ động nâng cao năng lực hợp tác với khách hàng thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng giao hàng đúng hẹn, quản lý chất lượng và thực hiện trách nhiệm xã hội... Bên cạnh đó, để có năng lực cạnh tranh và ổn định trên thương trường rộng mở sắp tới, các DN phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa chiến lược nghiên cứu thị trường và công tác thiết kế. Khi nhận làm gia công, nếu DN không quan tâm nhiều đến khâu thiết kế thì sẽ khó có những sản phẩm để đem ra cạnh tranh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay việc đem lại lợi nhuận cao nhất cho ngành dệt may là thiết kế mẫu, cung cấp nguyên phụ liệu và thương mại. Muốn phát triển được lĩnh vực này một cách có hiệu quả, các DN dệt may cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước; tăng tỷ lệ xuất khẩu dưới hình thức FOB (tham gia vào khâu ý tưởng thiết kế); cùng với đó là nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới mang những nét đặc trưng riêng. Các DN cũng phải sản xuất những sản phẩm có sự khác biệt cao, có tính độc đáo, hiện đại và đẳng cấp; đồng thời nắm bắt được xu thế thời trang của thế giới…

Hy vọng rằng khi TPP có hiệu lực, những lợi ích mà DN Việt Nam thu được sẽ lớn hơn những trở ngại mà các DN gặp phải.

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Từ khóa: