Ngành dệt may: Cơ hội tăng trưởng mạnh

Thứ năm, ngày 07/03/2019

(BDO) Với việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia đang có hiệu lực cùng nhiều thuận lợi khác, ngành dệt may trong nước được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty May mặc Bình Dương.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Cơ hội để tăng tốc

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019, do đó các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc có thể tự làm tờ khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (C/O) để hưởng ưu đãi thuế với mức thuế được cắt giảm hơn 60% và tăng lên 80% sau 3 năm. CPTPP được các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ tạo nên một bước đột phá về mọi mặt, từ việc cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đến thu hút đầu tư trong và nước ngoài, xóa bỏ rào cản thuế quan, mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, cho biết bắt đầu từ tháng 3-2019 trở đi, các DN sẽ dồi dào đơn hàng xuất khẩu do ngành dệt may đã vào mùa vụ. Hiện nay, các đơn hàng đang có dấu hiệu dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thuận lợi từ các FTA mà Việt Nam tham gia mang lại, đặc biệt từ CPTPP. Theo nhận định của ông Phoa, năm 2019, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều đơn hàng hơn so với năm trước, dự tính tăng 5 - 10% .

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương - Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát), cũng cho rằng với những FTA mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực, năm 2019 hứa hẹn các DN thành viên sẽ có nhiều hơn so với năm trước. Riêng đối với Công ty May Quốc tế, đến thời điểm này đã ký được đơn hàng đến hết tháng 6-2019.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Theo các chuyên gia, 2019 là năm Việt Nam bắt đầu thực thi nhiều FTA, ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng cũng không ít thách thức. Thách thức lớn nhất là ở chỗ, nếu các DN trong ngành không đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ khó cạnh tranh được với các sản phẩm đến từ các nước tham gia hiệp định, đặc biệt là xuất xứ nguyên liệu đầu vào. 

Ông Phoa cho biết, các DN dệt may cần chủ động nguồn nguyên liệu để giải quyết nỗi lo phụ thuộc nguyên liệu từ các nước mà Việt Nam chưa tham gia ký kết FTA. Bên cạnh đó, các DN dệt may trong nước cần đưa ra các giải pháp cụ thể, liên kết chuỗi cung ứng để cùng vượt qua khó khăn, thách thức mà biến động thị trường gây ra.

Theo bà Trang, năm 2018, Công ty May Quốc tế đã thay đổi mô hình hoạt động từ gia công mặt hàng sang tự sản xuất mặt hàng. Nhờ đó, công ty đã chủ động hơn với khách hàng; doanh thu xuất khẩu tăng lên; số lượng đơn hàng nhiều hơn so với năm 2017.

Hiện nay, các DN dệt may trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đã và đang phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất). Các công ty cũng liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt; tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành dệt may, để các DN dệt may có điều kiện thuận lợi, tăng sức cạnh tranh, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, nhà quản lý cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cùng với đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

PHƯƠNG LÊ