Ngành dệt may: Cần sản xuất theo hướng “xanh” để tăng xuất khẩu
(BDO) Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành đạt hơn 40 tỷ USD, nhất là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu vào thị trường này, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ các cam kết trách nhiệm xã hội, trong đó tập trung chủ yếu trách nhiệm với an toàn môi trường. Thực tế này đã buộc các DN phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hơn, sạch hơn. Thế nhưng, không phải DN nào cũng có đủ nội lực vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang gấp rút làm việc với các hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo các địa phương để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo đó, nếu dự án được xét duyệt, DN sẽ được cho vay với mức vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư. Thời gian vay tối đa 10 năm và được ân hạn thêm không quá 2 năm. DN vay vốn từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường được hưởng lãi suất vay ưu đãi từ 2,6 - 3,6%/năm và lãi suất vay sẽ được cố định trong suốt thời gian vay.
TRUNG NGUYÊN